Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Văn Học & Cái Ác

Văn học và Cái Ác (Le Littérature et de mal) là tên của một quyển sách xuất bản lần đầu vào năm 1957 tại Pháp được viết bởi một học giả nổi tiếng với các tác phẩm nghiên cứu văn học, nhân loại học, triết học, kinh tế, lịch sử nghệ thuật và xã hội học – Georges Batalille (1897 – 1962) và sau đó được dịch sang tiếng Việt phát hành năm 2013 (Ngân Xuyên dịch và giới thiệu, NXB Thế Giới, phát hành bởi Sao Bắc Media). Đó là một khoảng cách thời gian khá lớn và vì thế, nó đã trở thành một tác phẩm khó đọc phần vì các tác phẩm Georges Batalille đề cập được viết cùng thời với ông như Đồi gió hú (Emily Bronte), Cuộc hôn phối Thiên đàng và Địa ngục, Bộ tứ Zoa, Milton, Jerusalem (William Blake), 120 ngày, Justine (Sade), Bản án, Bức tường Trung Hoa (Franz Kafka)… Ngoại trừ Đồi gió hú thì những tác phẩm còn lại chưa có bản dịch tiếng Việt và phần vì Georges Batalille vốn được xem là một con người kỳ quặc, có những tư duy suy nghĩ rất khác với số đông trong giới viết lách vào thời bấy giờ, bởi điều đó đã làm những câu cú, cách viết của ông không dễ tiếp thu, thường là một loạt tỉnh lược để biểu thị sự bế tắc của cách diễn đạt mà ông tin rằng nó đã vượt ngưỡng tồn tại ở ngoài từ ngữ.

Trong bài viết này, tôi không viết về Văn học và Cái ác của Georges Batalille mà chỉ lấy cảm hứng từ tựa đề của tác phẩm này để viết về văn học và cái ác trong văn học hiện đại. Như một mặc định, sứ mệnh của văn học là hướng thiện, dù có những tác phẩm đẩy xuống tột cùng của nỗi đau, chết chóc hay thống khổ thì sau đó và trong đó luôn chứa đựng thông điệp tốt đẹp. Khi nghĩ đến cái ác, chúng ta nghĩ đến những việc làm, hành vi gây tổn hại lợi ích đối phương, người khác nhằm thỏa mãn nhu cầu lợi ích của bản thân.

1. Tác phẩm Sau nửa đêm (Huỳnh Thanh Xuân dịch, NXB CAND, 2007) của Haruki Murakami tuy ít được nhắc đến trong số những tác phẩm của ông nhưng lại là tác phẩm mô tả trọn vẹn sự ám ảnh tư bản của Nhật Bản trong ông. Chỉ có thông qua tác phẩm, cảm giác trống rỗng về linh hồn của những con người và những tác động tiêu cực của tâm lý như được giải tỏa. Điều đó phản ánh một giai đoạn “khó ở” ở Nhật Bản, sức ép của cuộc sống tư bản hiện đại đã tạo vách ngăn giữa con người với nhau và sự chịu đựng đã đến ngưỡng cần phải thét lên. Và, Haruki Murakami đã chọn viết nó ra như một sự giải phóng tinh thần.

Ông đã mô tả chi tiết cách kẻ sát nhân đã cảm thấy thỏa mãn như thế nào khi lưỡi dao rạch một cách từ từ trên cơ thể con người, cái cách mãn nguyện khi nhìn thấy dòng máu từ từ tuôn chảy trong sự gào thét vô vọng của nạn nhân. Sự đủng đỉnh với những lý giải của tên sát nhân về việc hắn bắt buộc phải ra tay luôn là sự bao biện, dung túng tâm hồn cô độc khao khát được nghe thấy sự tồn tại của hắn trên cõi đời này.

2. Tác phẩm thứ hai là Mùi Hương (Lê Chu Cầu dịch, NXB Văn học, 2007, giá bìa 50.000 đồng) của Patrick Süskind và có vẻ như đây là tác phẩm thành công duy nhất để đời của ông vì sau đó ông không còn viết những tác phẩm lớn nào khác. Tất cả những gì viết về ông rất ít ỏi nhưng tôi nghĩ Mùi Hương là tất cả những gì nói về ông. Ông đã tạo nên nhân vật Jean-Baptiste Grenouille, được mô tả là người khép kín, cô độc và “bị quỷ ám”. Ông đồng thời cũng khắc họa sự ám ảnh về mùi hương của hắn vì kinh hãi “uế khí” của người thường đã buộc hắn phải sống tránh xa con người, đi tìm một mùi hương tối thượng và đó là lúc hắn nhận ra sự tối thượng ấy cần phải được tạo nên bằng sự chưng cất mùi hương của 25 trinh nữ. Từ một người không có mùi hương đến lúc tạo được một mùi hương tối thượng và sau đó trở thành nạn nhân cũng chính cái mà mình tạo ra nhưng hắn chưa bao giờ hối hận về điều đó.

Dục vọng về mùi hương cũng giống như dục vọng về danh lợi. Danh lợi không phải là cái bẩm sinh và danh lợi sớm muộn gì thì cũng đi vào hư không. Có chăng khi ông viết tác phẩm này cũng là lúc ông trải nghiệm, đủ để thỏa mãn dục vọng trong ông và sau đó ông không muốn đánh đổi nó trong đời thật bằng việc ông đã từ chối tất cả các giải thưởng danh giá dành cho tác phẩm, những buổi gặp gỡ, phỏng vấn với giới truyền thông. Trong triết lý nhà Phật, có lẽ như ông đã nhập niết bàn bằng trí tuệ cái ác của ông.

3Sau cùng, tác phẩm tôi nói đến ở đây chính là loạt sách Hannibal của Thomas Harris. Có tất cả bốn tác phẩm trong series nhưng chỉ có hai tác phẩm được dịch và phát hành tại Việt Nam là Sự im lặng của bầy cừu (Phạm Hồng Anh dịch, NXB Hội nhà văn, 2014, giá bìa 90.000 đồng) và Hannibal (Thu Lê dịch, NXB Hội nhà văn, 2013 giá bìa 108.000 đồng). Thomas Harris đã thành công khi tạo dựng nhân vật nắm giữ hai vai trò – một là bác sĩ tâm thần xuất sắc và một là kẻ ăn và giết người hàng loạt.

Hannibal tận mắt chứng kiến em gái mình đã bị Đức Quốc Xã giết và ăn thịt đồng thời sau đó bản thân hắn cũng trở thành nạn nhân ở một nơi gọi là trại mồ côi. Vết thương tinh thần quá lớn nhưng hắn đủ thông minh để thi vào trường y, trở thành tiến sĩ tâm lý học. Từ đây, những tội ác của hắn gây ra đều không để lại sơ hở và thuận lợi hơn trong vai trò bác sỹ tâm lý. Thomas Harris không bao giờ giải thích nguồn cảm hứng để tạo dựng nên nhân vật Hannibal này nhưng ở vai trò là phóng viên, nhà báo, ông đã từng theo qua và thậm chí tham dự phiên tòa xét xử những vụ giết người hàng loạt năm 1960 và 1992, sự ám ảnh về rối loạn nhân cách của các hung thủ không ít thì nhiều để lại dấu ấn trong ông, cũng như đủ để ông tạo dựng một hình ảnh nhân vật kinh dị xuất sắc.

Chúng ta cũng thấy rất nhiều điều đằng sau câu chuyện của các tác phẩm. Bối cảnh ra đời của tác phẩm cũng như những tác động sâu sắc của xã hội, những ám ảnh day dứt trong tâm tưởng tác gia và đến một thời điểm nào đó nó cần bùng phát. Mặt khác, chúng ta cũng thấy rằng những tội nhân thường cũng chính là nạn nhân hệ lụy, là nạn nhân của gia đình và xã hội.

Như trong các tác phẩm ta thấy, chỉ cần một lần “biến”, các nhân vật đã nổi trôi giữa dòng đời “vạn biến” và bị nhấn chìm trong vòng xoáy cuộc đời. Vậy nên cái ác trong văn học là một sự cảnh tỉnh trước khi chúng ta trở thành nạn nhân của “dòng đời vạn biến”.

Thư Lê


Các bạn có thể mượn đọc những sách trên từ thư viện, vui lòng truy cập website www.ibookstop.vn hoặc email ask@ibookstop.vn hoặc ibookstop.vn@gmail.com để biết thêm chi tiết.


Bài viết được đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn số 23-2014 (1.225), ra ngày 05/6/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét