Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Xấu (Grotesque)

Xấu là tác phẩm dịch lại từ nguyên bản Grotesque của nhà văn nữ Nhật Bản Natsuo Kirino (sinh năm 1951), phát hành bởi Nhã Nam vào tháng 7 năm 2013, giá bìa 110.000 đồng.

Bìa sách của Xấu khi xuất bản tại Việt Nam khá mờ nhạt giữa rừng sách nhưng ấn tượng và tôi nghĩ nó rất phù hợp với câu chuyện của Xấu. Xám xịt và đầy những vết cắt, như cách mà mỗi số phận nhân vật trong truyện trót mang.

Tôi không nghĩ đây là tiểu thuyết trinh thám như cách Nhã Nam phân loại và tôi cũng không đồng tình với cách nhận định rằng “cái Đẹp có thể chứa đựng sự Xấu to lớn đến mức nào” ở trang cuối bìa sách bởi vì bạn sẽ tìm thấy điều hiển nhiên rằng ngoài nhân vật Yuriko được miêu tả là người duy nhất sở hữu cái đẹp thì còn lại hầu như chỉ là sở hữu nét đẹp bình thường, do vậy nếu nói theo cách này thì vô hình chung chỉ mỗi Yuriko là đang chứa đựng cái xấu lớn nhất (tôi thì không nghĩ như vậy). Dẫu sao thì mỗi người sẽ có một cách nhận định khi đọc tác phẩm này. Riêng tôi, tôi cho rằng mang sự đối lập giữa Đẹp – Xấu để nổi bật lên góc độ đối lập của hai sự thể trái ngược trong cùng một thực thể thì không hẳn là ý hay, vốn dĩ Natsuo Kirino không nhằm vào điều đó. Ngay từ đầu và nhất quán xuyên suốt tác phẩm, tất cả đều là sự trải nghiệm về cái xấu một cách trọn vẹn, hoàn hảo đến mức khi ý niệm về cái đẹp trong cái bản chất bị nhơ nhuốc, ảnh hưởng bởi cái xấu lại như hạt ngọc, như khi bạn bắt gặp nó nơi cuối con đường.

Xấu là một trải nghiệm hoàn toàn khác trong thể loại văn chương và so với số đông các tác phẩm văn học tôi từng đọc. Khi những dòng cuối kéo theo sự khép lại trang sách, hoàn toàn là sự trống rỗng và không thể nói thành lời. Không phải vì buồn quá, u ám quá hay nặng nề quá hay sự bỏ ngõ đến day dứt theo cách mà phần lớn tác phẩm văn học Nhật Bản thường hay làm vậy mà chính là “tôi là ai giữa thế giới này?”, thậm chí là nghi ngờ về sự tồn tại của bản thân giữa cuộc đời này, giữa xã hội này và cả giá trị của bản thân.
Nguồn: Internet
Yuriko – một nhân vật đại diện cho “mặc cảm Lolita” – sắc đẹp hoàn hảo đến ma quái và theo cách gọi của chị gái mình đó là sắc đẹp liêu trai, quỷ ám và khi trưởng thành, nó đã tự động biến mất, rời bỏ cô và trả lại con người thật của nó như một bã mía, tuy nhiên, quá muộn màng để bắt đầu trở lại. Sắc đẹp của Yuriko là một bất hạnh, là một cái “nghiệp” vì nó không mang lại cho cô cuộc sống vốn dĩ cô nên có, nên được đối xử một cách bình đẳng như những đứa trẻ khác, thậm chí là sự xa lánh, hắt hủi ngay chính từ gia đình cô. Sắc đẹp ấy đã quyết định số phận cô ngay từ khi lọt lòng. Sắc đẹp ấy đã lần lượt tra vào cổ những gã đàn ông trưởng thành những cái tội danh “loạn luân”, bất chấp luân lý, đạo đức con người và đạo đức xã hội, thậm chí tội giết người. Người khác nhìn vào nghĩ rằng cô là người hạnh phúc với một sắc đẹp trời phú ban tặng và nhiêu đó là đủ, cô không cần cố gắng gì thêm nữa. Song, sự thật là bản thân cô là một cuộc tranh đấu để tồn tại, để được thừa nhận cô đang sống nhưng ngày một cô lạc lối trong dòng chảy cuộc đời đến mức cô chỉ có thể cảm giác là cô đang sống khi cô được làm tình. Cô ghét đàn ông nhưng cô thích làm tình. Chỉ khi được làm tình, cô cảm nhận được sự sống đang diễn ra. Vậy cô tồn tại vì điều gì?

Katsuo – một nhân vật có một niềm tin kiên định và mù quáng đến mức rằng chỉ cần cố gắng, chỉ cần bản thân không bỏ cuộc thì sẽ được tất thậm chí từ học vị, địa vị đến sắc đẹp và bản chất đàn bà. Cô không sai. Cô đã chứng minh được điều đó nhưng điều chua sót sau cùng chính là tồn tại hay không tồn tại, cách nhau một nếp nghĩ. Cô chưa bao giờ buông bỏ điều gì, càng cố gắng chứng minh càng đau đớn nhận ra cô không là gì giữa xã hội này, giữa cuộc sống này, cô chỉ là một linh hồn bị bán rẻ. Sự quay lưng của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và đến cả những gã đàn ông mua vui khi đêm xuống cũng chẳng buồn đoái hoài đến cô. Tất cả đều bỏ chạy khi thấy cô như thấy một con quỷ. Một số thương hại, một số kinh tởm. Vậy cô đang sống vì cái gì?

Mitsuru – một nhân vật cân bằng giữa Yuriko và Katsuo, liệu khi ở thế cân bằng, trung tính, con người ta sẽ hạnh phúc hơn? Câu trả lời vẫn là không. Sống có mục tiêu, hiểu rõ bản thân nhưng Misturu vẫn lạc lối trên dòng đời khi cô nhận ra cô không có mục đích sống. Sống và tồn tại dường như luôn có khoảng cách. Thì ra tìm kiếm mục đích sống lại là điều khó khăn hơn những gì cô tưởng. Để khi nhận ra thì cô đã phải đánh đổi thời gian của mình, mất tất cả nhưng rồi lại tìm được tất cả khi mục đích sống dần dần định hình ở tuổi trung niên.

Chị gái Yuriko – một nhân vật không tên, là người kể chuyện, dẫn dắt câu chuyện, đối thoại với độc giả và là nhân vật đại diện cho cái tôi của bất kỳ ai. Ngay từ đầu, nhân vật này cũng đã xác lập ngay tính cách về sự tự ti và ít bao dung, chất chứa trong cô là sự thù ghét, ưa sự cô độc cũng như cô chọn cách sống ở thế phòng thủ. Những ai vô tình phạm phải ranh giới mà cô vẽ ra thì cô sẽ loại trừ không thương tiếc. Tuy nhiên, càng gần đến cuối, cô lại càng bắt buộc phải đối mặt với chính con người cô, nghiệt ngã thay khi cô thoát khỏi thể giới cô độc, thù hằn ấy cô lại dấn thân vào vết xe đổ của em gái cô và cô bạn Katsuo. Liệu sự thay đổi vào phút cuối khi nhận ra chân nguyên bản thân mình chưa bao giờ là quá muộn cho bất kỳ ai?

Cái vòng lẩn quẩn cho một kiếp người và vị thần Jizo dẫu thế nào cũng không thể cứu rỗi những linh hồn lạc lối ấy. Xuất phát điểm sự lệch lạc ấy từ đâu? Gia đình, xã hội, giáo dục hay thượng đế?

421 trang – 4 nhân vật chính – hơn 10 số phận riêng lẻ đan xen nhau như một xã hội thu nhỏ được gom vào một tác phẩm, đa dạng nhưng kết nối cũng như sự tác động qua lại tô vẽ nên một bức tranh hiện thực xã hội tư bản Nhật Bản - đầy những vết cắt.

Còn rất nhiều điều mà tôi vẫn chưa thể nào viết ra hết tại đây, nhưng nếu có thể nói hết tại đây thì bạn chắc sẽ không đọc Xấu, mà nếu như vậy vô tình tôi đã làm bạn bỏ lỡ một tác phẩm hay, đầy tính nhân văn trên nền tảng khoa học tâm lý và nghiên cứu xã hội.
 
Thư Lê
 
Các bạn có thể tìm mua tại các nhà sách hoặc mượn đọc từ Thư viện iBookStop

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét