Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Những gam màu giữa Sài Gòn

(Sài Gòn Tiếp Thị - 16/3/2015) Trong lời ngỏ, tác giả Phạm Công Luận đã chia sẻ rằng: “Chẳng ai thực sự biết hết mọi điều về thành phố mình đang sống cho dù ở đó cả đời. Điều đó thật dễ hiểu”. Đặc biệt, với Sài Gòn có tuổi đời tuy chỉ mới hơn 300 năm và với một kẻ sinh sau đẻ muộn ở những năm cuối thể kỷ 20 thì Sài Gòn là một điều gì đó nửa gần nửa xa.

Gần là vì chỉ cần thức giấc bình minh, ngũ quan đều cảm nhận được nhịp sống, hơi thở của Sài Gòn và vẫn còn đó những con đường xưa cũ, những chợ, những gánh hàng rong, những địa danh gắn liền tên tuổi, lịch sử. Xa là khi chạm đến những trang sách, những câu chuyện kể lại từ các nhân chứng sống mà tác giả Phạm Công Luận đã gom góp thành quyển Sài Gòn chuyện đời của phố II (tác giả Phạm Công Luận, Nhà xuất bản Văn hóa-Văn nghệ TPHCM phát hành tháng 2-2015) bỗng thấy chưa bao giờ mình biết hết, hiểu hết về nơi sinh ra và lớn lên này.

Màu tím

Đó là sắc màu tím than biểu thị cho sự hoài niệm về những điều đã qua trong bốn thập niên (1950-1980). Một Sài Gòn được kể lại từ những ký ức của thế hệ trước. Một Sài Gòn đã nuôi dưỡng và thắp sáng những tài năng đến từ mọi vùng đất nước tựu về đây, cũng như những người con cháu ngay tại mảnh đất này từ những ngày đầu khẩn hoang; đồng thời là nơi tiễn chân người đi với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như câu chuyện nữ kịch sĩ Kiều Hạnh, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Trung Cang, kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng, nghệ sĩ Năm Châu…

Màu xanh lá

Trong câu chuyện Về Bà Chiểu, rảo hàng bàng, thời gian được lùi lại vào những năm đầu thế kỷ 20 khi Sài Gòn chỉ là mảnh đất nhà cửa còn thưa thớt, vẫn những ruộng đồng xanh mướt với những cây bàng, cây sanh… xanh rợp đường đi hay như rạch Nhiêu Lộc mặt nước xanh trong đến mức “có thể nhìn thấy đồng xu chìm xuống chỗ nước cạn” trong Nhiêu Lộc, dòng rạch dòng đời”.

Màu xám trắng

Màu của ánh xà cừ được cẩn trên tủ thờ, tràng kỷ, sập gụ, tủ chè, cặp liễn đối, cái khay… mà đối với người Sài Gòn ngày trước, họ xem như gia bảo và chỉ xuất hiện trong những gia đình giàu có, trung lưu. Ngày nay, chúng ta vẫn còn thi thoảng thấy những đồ cẩn xà cừ này nhưng cũng không còn quý trọng như trước khi xu hướng hiện đại đã khác đi. Những bức hình chia sẻ lại trong câu chuyện Đồ Cẩn Xà Cừ như một sự nhắc lại về những món đồ đã từng là biểu tượng của sự sung túc và nếp gia phong trong các gia đình người Sài Gòn ngày trước.

Màu xanh dương

Màu xanh dương không thể hiện rõ ràng, cụ thể trong Sài Gòn chuyện đời của phố nhưng người đọc có thể cảm nhận được màu xanh qua niềm tin và hy vọng mà những câu chuyện trong quyển sách mang lại. Những câu chuyện đã nhắc lại rằng, chúng ta đã từng có những thành tựu do chính chúng ta tạo nên, chúng ta đã từng xây dựng thành công siêu thị đầu tiên cho người Việt vào năm 1967, chúng ta có Nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam là nhà xuất bản nhạc đầu tiên của Việt Nam có tên trong danh mục các nhà xuất bản quốc tế “World Wide Trade Category”, một đồ án quy mô vẫn còn dở dang của chợ Bến Thành… Điều đó có nghĩa, chúng ta đã từng làm được thì tất yếu chúng ta lại sẽ tiếp tục làm được.

Sài Gòn vẫn đang sản sinh những người tài, lớp trẻ tài năng kế thừa những đặc tính, tinh hoa và giá trị của đời trước và sau đó lại sẽ tiếp nối xây dựng những thành tựu mới. Một điều chắc chắn là Sài Gòn sẽ luôn tiếp tục đổi mới và phát triển cùng với xu thế chung của các nước trong khu vực và thế giới. Bức tranh màu sắc qua những câu chuyện từ Sài Gòn chuyện đời của phố II không chỉ là sự hoài niệm của những con người ngày hôm qua mà còn là sự kể lại cho những người con ngày hôm nay. Đọc để nhìn thấy và chúng ta biết rằng, đã có một Sài Gòn như thế, hãy luôn tin yêu, gìn giữ bản thể tốt đẹp vốn có của Sài Gòn!
Thư Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét