Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của Sơn Nam - Võ Văn Thành

Trước khi đọc tác phẩm, tôi luôn tin rằng người miền Nam là những con người mộc mạc, đơn giản và chất phác như bản chất cố hữu của những con người ở miền sông nước. Và một lần nữa, niềm tin ấy lại được củng cố hơn hết sau khi đọc tác phẩm “Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của SơnNam” (Võ Văn Thành, NXB Trẻ, 2013, giá bìa 60.000 đồng).

Tác phẩm là công trình nghiên cứu của Thạc sĩ Võ Văn Thành, tổng hợp từ 60 tác phẩm, tài liệu của nhà văn Sơn Nam cũng như các bài viết, tác phẩm, tư liệu của các tác giả khác nhau viết về nhà văn Sơn Nam, chia làm ba phần:
  • Phần 1: Viết về nhà văn Sơn Nam, thân thế và cuộc đời của ông
  • Phần 2: Văn hóa vật thể qua cái nhìn của Sơn Nam
  • Phần 3: Văn hóa phi vật thể qua cái nhìn của Sơn Nam
Vốn sinh ra và lớn lên từ miền sông nước, tất cả như ăn sâu bám rễ trong ông – nhà văn Sơn Nam. Cảm tưởng như chẳng điều gì có thể lọt khỏi tầm mắt của ông, ngay cả hơi thở. Nó như là mạch đập, toàn bộ cuộc sống của ông và nếu tách rời ông khỏi miền Nam thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ chẳng có nhà văn Sơn Nam với những tác phẩm phôi thai từ miền sông nước này.

Điều mà tác giả Võ Văn Thành nhận thấy và nhấn mạnh trong tác phẩm của ông là văn hóa miền Nam mang ảnh hưởng thời kỳ khẩn hoang của 400 năm trước khi bộ phận đông đảo người Việt di cư vào đây sinh sống. Cũng bởi sự ảnh hưởng của điều này mà người miền Nam luôn coi trọng cuộc sống mà họ có được ví dụ như bất kỳ đâu nơi họ đến đều là vùng đất linh thiêng và luôn coi trọng những gì thiên nhiên ban tặng cũng như học cách thích nghi với cuộc sống mới thay vì cải tạo và đổi mới. Chính điều đó đã làm nên những con người miền Nam mang một nét rất riêng không lẫn vào đâu trên mọi phương diện cuộc sống như:

** Trong ẩm thực, không cầu kỳ nhưng cũng không quá xuề xòa. Nếu như bữa cơm chuẩn của người Việt là cơm – rau – cá – thịt thì người miền Nam lại đổi thành cơm – canh – rau – tôm – cá vốn là những gì thiên nhiên ban tặng. Nhất là rau như dẫn chứng điều Sơn Nam đã viết “hễ gặp loại lá, đọt non nào ăn không chết là cứ ăn”. Đến cả mười hai con giáp, nếu con rồng là sinh vật có thật thì hẳn họ cũng ăn luôn. Chưa kể, họ không câu nệ trong việc ăn uống nên chỉ cần mắm hay cá khô nướng với cơm trắng hay rau rừng tiện tay hái khi thả xuồng trôi trên kênh rạch thì cũng gọi là xong bữa.

** Trong cách ứng xử, người miền Nam có lối ứng xử nước đôi nghĩa là họ săn cọp, bắt sấu nhưng không truy cùng đuổi tận mà chỉ dọa như nhắc nhở ranh giới giữa người và vật, một mặt giết cọp nhưng mặt khác lại lập miếu thờ ông cọp, một mặt họ giết sấu nhưng họ không giết hết mà giết một thả một vì bản tính không sát sinh, sống vì âm đức; họ tin rằng con còn lại sẽ quy phục, hướng thiện không phá làng xóm nữa như nhà Phật đã dạy. Tuy nhiên, trong ứng xử với người, có một điều rất chắc nịt rằng họ không thích sự giả dối và nếu phát hiện thì họ chẳng còn qua lại nữa; họ coi trọng việc sống có âm đức nghĩa là sống hướng thiện, không làm điều ác, hại người hại vật.

** Trong văn hóa cư trú, hình ảnh rất đặc trưng đó là những ngôi nhà trên bè bởi do cấu tạo của vùng đất này là sự chằn chịt rạch ngòi và sông nước nhưng nếu sau vài năm sinh sống, làm ăn khá giả thì họ sẵn sàng bỏ tiền xây nhà định cư lâu dài. Mặt khác, họ cũng là những người có phong cách sống thích ứng nhanh nên dễ dàng hòa hợp, chan hòa với hàng xóm là những người Khmer.

** Một điểm đặc trưng nữa là cũng bởi chính lối sống thời kỳ khẩn hoang đã di truyền tính ưa thích phiêu lưu của người miền Nam, họ dễ dàng di chuyển đây đó để mưu sinh và vì thế trong bộ ba dân tộc sinh sống lâu đời ở đây, dường như ít có sự xung đột lợi ích kinh tế với nhau. Nếu như người Khmer ưa thích sự ổn định, ít thay đổi, sản xuất tại chỗ thì người Nam ưa thích đi lại như một lái buôn trong khi chợ là nơi giao thương của hầu hết người Hoa.

Dù văn hóa Nam Bộ chỉ mới hình thành từ những năm thế kỷ 16 nhưng qua nhà văn Sơn Nam, chúng ta đã thấy được có một miền Nam mộc mạc và chất phát không lẫn vào đâu và qua tác phẩm “Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của Sơn Nam”, chúng ta lại một lần nữa có một cái nhìn tổng quan, bao quát hơn về miền sông nước này. Đến cả tâm hồn thi sĩ cũng chất chứa sự mộc mạc, giản đơn ấy. Mượn lời bài hát Điệu buồn Phương Nam để kết bài.

Về phương Nam lắng nghe cung đàn,
Thổn thức vọng dưới trăng mơ màng,
Rồi theo sông Cửu Long nhớ nhung dâng tràn,
Chợt thương con sáo bay xa bầy,
Sương khói buồn để lại lòng ai….”

Cú Mèo
iBookStop.vn
(Vui lòng trích dẫn nguồn khi chia sẻ. Xin cám ơn!)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét