Ở mặt sau của quyển Bên Lề Sách Cũ (NXB Tổng Hợp, 2013, giá bìa 125.000 đồng), cụ Vương Hồng Sển đã viết như vầy:
“Có câu ví “Hãy cho bền chí câu cua, Dầu ai câu chạch câu rùa mặc ai!”. Và nghề “câu cua” của tôi là thu mót từ tập sách, cuốn sách bày bán bên lề, và “câu cua” cũng là lối viết bên lề tờ sách.
… Đọc sách cho nhiều nhưng đọc rồi quên hết thì bổ ích vào đâu và bổ ích cho ai? Sách dạy khôn, đọc lắm cũng nhàm. Biết mà không trao lại người khác thì cái hiểu biết kia chẳng hóa ra vô dụng? Vậy xin ghi thêm mấy hàng nầy. Là của riêng thâu lượm bấy lâu nay, cũng thuộc loại bên lề sách cũ.”
… Đọc sách cho nhiều nhưng đọc rồi quên hết thì bổ ích vào đâu và bổ ích cho ai? Sách dạy khôn, đọc lắm cũng nhàm. Biết mà không trao lại người khác thì cái hiểu biết kia chẳng hóa ra vô dụng? Vậy xin ghi thêm mấy hàng nầy. Là của riêng thâu lượm bấy lâu nay, cũng thuộc loại bên lề sách cũ.”
Cụ đã chọn cách viết như thế để giới thiệu một cách gọn gàng, thẳng thắn về quyển Bên lề sách cũ của cụ, vốn có thể xem là quyển sách tổng hợp những tài liệu xưa cũ về một đất Nam kỳ Lục tỉnh và những câu chuyện xoay quanh miền sông nước này.
Tác phẩm có tất cả 6 chương trong đó chỉ riêng chương 1 đã chiếm hết 1/3 quyển sách mà cụ dành riêng gọi là Nguyên văn trích lục và hơn ¼ quyển sách là phần cụ tổng luận dựa trên những tài liệu cụ thu thập được. Cái hay của Bên lề sách cũ là tính lịch sử của nó mà bạn đọc nào đang có những công trình nghiên cứu về sử học, văn hóa có thể tham khảo vì trong đó là những ghi chép có được từ những tài liệu xưa như “Petit cours de géographie de la Basse – Cochinchine” (Trương Vĩnh Ký), “Excursions et Reconnaissances” (tập san Pháp – 1880), “Tiểu địa dư” (Trương Vĩnh Ký), “Gia Định thành thông chí” (dịch giả: Trịnh Hoài Đức), “Đại Nam nhất thống chí (Lục tỉnh Nam Việt)” (dịch giả: Nguyễn Tạo)…
Ngoài ra, cụ Vương Hồng Sển đã rất chi tiết ghi chú lại trên những tài liệu cụ có được với những tham khảo chéo mà độc giả qua đây thấy được sự dàn trải mênh mông của kiến thức. Chỉ mỗi riêng “lá buôn” và “lá buông”, mà cụ nhất mực phải trích lục tìm hiểu ngọn căn sau cùng thì đây là do cách viết hay là tên của hai loại lá cây khác nhau. Khi có được lời đáp, cụ cũng ghi rõ không bỏ xót tất cả những gì liên quan đến “lá buôn” và “lá buông”.
Thông qua đây, các bạn đã đủ hình dung về giá trị nội dung quyển sách chưa? Riêng tôi, có khi phải ghi từng chút một vào tờ giấy để khi đi đâu, đến đâu, thấy tên gọi hay câu chuyện nghe quen quen, lật ra xem lại thì may ra mới ngấm được những gì cụ viết trong đây. Dù sao thì đây là quyển sách chỉ phù hợp với độc giả là nghiên cứu sinh hay thực sự bạn đang tìm hiểu về Nam kỳ Lục tỉnh cũng như những câu chuyện lịch sử xung quanh.
À, bạn có nghĩ rằng Gia Định là tên gọi trước đây của Sài Gòn? Thật ra thì không phải vậy. Sài Gòn là tên gọi trước đây của Tân Bình phủ, và Tân Bình phủ là một trong bốn phủ của Gia Định tỉnh. Bốn phủ đó là Tân Bình phủ, Hòa Thạnh phủ, Tân An phủ, Tây Ninh phủ. Theo đó, Gia Định là một trong Lục tỉnh Nam kỳ trước đây. Bạn có thể tìm đọc để biết thêm qua Bên Lề Sách Cũ - Vương Hồng Sển.
Cú Mèo
iBookStop.vn
(Vui lòng trích dẫn nguồn khi chia sẻ. Xin cám ơn!)
(Vui lòng trích dẫn nguồn khi chia sẻ. Xin cám ơn!)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét