Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Vì mỗi đứa trẻ là món quà tuyệt vời của chúng ta

Nguồn hình: Pinterest
Bài viết mới đây của trang Triết Học Đường Phố có tựa đề Thay đổi nền giáo dục tương lai từ việc thay đổi nhận thức và hiểu biết của chính mình (Phi Tuyết), quan điểm bài viết đưa ra có lẽ không mới nhưng như một sự nhắc lại “Trẻ con cần được sống trong thế giới của chúng”, chúng ta không thể công nghiệp hóa những đứa trẻ, nhào nặn chúng thành một hình mẫu chung hoàn hảo và ai dám cam kết rằng những đứa trẻ công nghiệp hóa này sẽ lý tưởng hóa xã hội hay như xã hội sẽ văn minh hơn, tốt đẹp hơn? Tôi viết tiếp bài viết ấy nhưng muốn đi vào khía cạnh liệu chúng ta đã có đủ sân chơi và thời gian dành cho những đứa trẻ chưa?

Trong bài viết của Phi Tuyết đã nhắc lại 7 loại hình thông minh của nhà tâm lý học Howard Gardner (*) và tôi đồng ý với tác giả rằng phương pháp giáo dục của chúng ta hiện nay khá nặng nề, ôm đồm cũng như một sự thật nữa là những đứa trẻ không được dạy cách tư duy ngay từ nhỏ. Mọi thứ đều được sắp đặt như một dây chuyền nhà máy từ gia đình đến nhà trường và ngoài xã hội. Chính điều này đã giới hạn quyền của những đứa trẻ được trải nghiệm và cả phụ huynh để tìm ra loại hình thông minh nào chúng đang sở hữu và chiếm ưu thế hơn.

Chúng ta hãy gạt qua những quy luật, định kiến của xã hội về thước đo mẫu mực cho một đứa trẻ ngoan - giỏi, công dân tốt - thành đạt và để lại đây sự yêu thương, dành chút thời gian nhìn vào bức tranh hiện tại đang diễn ra ngay phút này đây, những ai đang là phụ huynh hay sẽ là phụ huynh đang thấy gì? Tôi nghe thấy tiếng trống trường vang lên vào lúc 21g00 và tôi nhìn thấy những đứa trẻ túa ra từ một trường tiểu học. Tôi nghe thấy sự yên tĩnh ở sân chơi dưới khu nhà tôi ở từ sau ngày 05/9. Tôi nghe thấy sau tiếng trống khai trường là giai điệu sôi động “On the floor” của Jennifer Lopez vang lên, chưa kể tôi còn thấy cả đoạn clip về màn múa cột ở một trường nào đó cho ngày lễ trang trọng của năm học. Tôi nghe chuyện tréo nghoe của một người bạn khi đứa trẻ của cô ở nhà trường chính quy được liệt vào thành phần cá biệt, khó dạy nhưng lại là đứa trẻ thông minh, sáng tạo tiêu biểu ở một lớp học ngoại khóa mà thầy cô ở đây đánh giá cao. Và sau cùng, tôi thấy mắt kiếng cận mà những đứa trẻ đang đeo từ rất sớm.

Chúng ta đã đánh đổi quá lớn cho việc “cơm – áo – gạo – tiền” với những đứa trẻ của chúng ta và thường là chúng ta khoán lại hay phó mặc cho nhà trường, thầy cô làm thay việc giáo dục con trẻ nhưng quên đi rằng những đứa trẻ trong cuộc sống hiện đại ngày nay không có nhiều sân chơi cả nghĩa đen và nghĩa bóng như chúng ta ngày trước, chúng đã phải chật vật, vất vả như việc chúng ta mưu sinh để thích nghi sự kỳ vọng, hoài bão của chúng ta một cách vô điều kiện. Đã bao giờ chúng ta nghĩ đến cảm giác của những đứa trẻ chưa? Tự kỷ là một chứng bệnh mang tính bẩm sinh ngay từ những tháng đầu đời của trẻ và cứ trong 1.000 (**) đứa trẻ thì có 1 – 2 trẻ mắc bệnh trên toàn thế giới; còn ngày nay, tỉ lệ đó và độ tuổi trẻ mắc bệnh đang có xu hướng tăng, nó như là một căn bệnh tự chúng ta đón vào.

Điều vĩ mô – chúng ta không thể thay đổi một sớm một chiều nhưng ít nhất chúng ta có thể thay đổi nhận thức của chính chúng ta rằng mỗi đứa trẻ là một thiên tài và sứ mệnh làm cha mẹ của chúng ta là cùng trẻ tìm ra điều mà đứa trẻ làm tốt nhất, một cách hứng thú và say sưa nhất. Chúng ta định hướng trẻ theo khả năng có thể của trẻ, chúng ta hãy trao cho đứa trẻ công cụ để khi trẻ bơi ra biển lớn của cuộc đời, ít nhất công cụ ấy sẽ theo trẻ, giúp trẻ sinh tồn và sống tự tin, hạnh phúc hơn.

Sau cùng, chúng ta vẫn có nhiều cách khác nhau để làm cùng trẻ ngoài công viên, sở thú hay những khu vui chơi cho thiếu nhi hay lớp học ngoại khóa như:

- Đọc truyện cùng trẻ, hãy biến hóa thành nhân vật cùng trẻ hoặc để trẻ đọc truyện bạn nghe. Đa dạng vai diễn, đa dạng giọng kể cũng là cách tiếp cận trí thông minh ngôn ngữ.

- Xếp hình, đánh cờ cùng trẻ hay để trẻ tham gia cùng bạn trong việc lắp ráp máy móc, đồ đạc trong nhà để trẻ có thể tư duy, động não tiếp cận trí thông minh logic.

- Cùng trẻ làm đồ gốm, tự tay làm cho mình chiếc cốc, chén hay để trẻ làm phó nháy cho gia đình cũng như cùng cha mẹ trang trí phòng và tự trẻ sẽ nhận ra trẻ có thể làm khác đi hay tốt hơn lúc mới “vào nghề” không, một cách tiếp cận trí thông minh không gian.

- Vận động thể lực cùng trẻ và thử thách trẻ với các mục tiêu khó dần, liệu rằng trẻ sẽ bền chí, quyết tâm đạt mục tiêu, trẻ làm được nghĩa là trẻ sở hữu trí thông minh vận động cơ thể.

- Đến buổi hòa nhạc cùng trẻ, bản chất trẻ có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt và với trẻ sở hữu trí thông minh âm nhạc thì khả năng tiếp cận của trẻ rất nhanh và nhạy.

- Nói chuyện cùng trẻ về một câu chuyện, bộ phim, hay chuyện trường lớp của trẻ. Với những đứa trẻ sở hữu trí thông minh nội tâm hay trí thông minh tương tác cá nhân, bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự nhạy cảm ở đứa trẻ cũng như cách trẻ phản ứng với sự việc, con người qua hành vi đáp trả.

Không cách này hay cách khác, tình yêu dành cho trẻ sẽ giúp chúng ta nghĩ ra thật nhiều cách để trẻ tìm thấy bản ngã của mình, mỗi trẻ là một cá thể khác biệt với những tài năng riêng biệt. Đừng đánh đồng và rập khuôn thành những chú gà công nghiệp, hãy để những đứa trẻ là những chú dế mèn phiêu lưu ký!

Thủ thư Cú Mèo
Thư viện sách iBookStop

(*) Các bạn có thể tìm hiểu điều này qua quyển 7 Loại Hình Thông Minh - Tác giả Thomas Amstrong, NXB Lao Động, 2007 hoặc mượn tại Thư viện sách iBookStop.

(**) Theo Vaccines and autism: a tale of shifting hypotheses – Gerber JS, Offit PA – tại Wikipedia

Vui lòng dẫn nguồn khi chia sẻ. Cám ơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét