Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Quỹ dữ & nàng Prym – Paulo Coelho



Thoạt tiên đọc tựa sách bất kỳ ai cũng nghĩ rằng đây sẽ là tác phẩm văn chương mang hơi hướm chuyện tình liêu trai, như cách Marc Levy đã viết Bảy Ngày Cho Mãi Mãi – cuộc chiến thiện ác trong bảy ngày và để rồi có một kết thúc có hậu “rằng thiên thần và ác quỷ sẽ gặp gỡ và đem lòng yêu nhau”. Tương tự vậy, đó cũng là cuộc chiến cái Thiện và cái Ác trong một tuần và nó diễn ra ngay trong tâm hồn của chính mỗi nhân vật trong câu chuyện. 

Một quyển sách của triết lý sống không giáo điều nhưng buộc người đọc phải tự soi lại chính mình qua từng đoạn đối thoại của nhân vật và hơn hết là những đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật rằng có hay không khi chính chúng ta nếu rơi vào hoàn cảnh ấy, mà cũng không cần phải dùng từ “nếu” vì có khi chúng ta đã từng hay đang phải đối diện với điều ấy – một cuộc giao tranh giữa lẽ đúng sai.

Điều buồn cười nhất của chúng ta là “muốn thay đổi tất cả nhưng đồng thời lại muốn giữ nguyên tất cả như trước kia”. Cơ hồ như chúng ta luôn mang nặng nỗi sợ bên mình, sợ vấp ngã, sợ bị bỏ rơi, sợ thất bại, sợ bệnh tật, sợ cái chết, sợ nghèo, sợ cô độc… Luôn có sự bao biện khi phải lựa chọn điều bất khả. “Đương nhiên, tin vào lòng tốt của bản thân mình dễ dàng hơn nhiều so với việc đấu tranh và bảo vệ những quyền lợi của mình. Nuốt hận, chịu nhục là việc nhẹ nhàng hơn nhiều so với việc lấy hết can đảm và lao vào chiến đấu với một kẻ thù mạnh mẽ… chỉ khi đêm đến chúng ta mới âm thầm thổn thức về sự hèn nhát của chúng ta.

Có một điều Paulo Coehl muốn nhắc chúng ta rằng có một ngày không bao giờ có trong tất cả các ngày trong cuộc đời – đó chính là ngày mai. Dư chấn của ngày hôm qua hẳn nhiên như một lề thói luôn đeo bám chúng ta đến tận hiện tại, điều chúng ta thầm khấn cầu trong những bài kinh niệm hay giấc mơ về một ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Đó chỉ là những mong cầu nhưng cốt lõi ngay trong hiện tại chúng ta đang làm gì?

Nàng Prym đã chua xót nhận ra khi vật lộn với chính bản thân cô giữa lựa chọn quyền lợi cá nhân hay quyền lợi số đông, đó cũng là khi cái Thiện và cái Ác trong cô đang giao tranh một cách quyết liệt "Có lẽ cái Thiện và cái Ác có chung một khuôn mặt. Tất cả chỉ tùy thuộc vào một điều, chúng gặp mỗi người trong chúng ta ở đâu trên con đường đời". Đến Chúa Jesus há chẳng nói với môn đồ mình “Sao ngươi gọi ta là nhân từ? Chỉ có một Đấng nhân từ là Đức Chúa trời”. Vậy điều đó có nghĩa bản chất con người khi sinh ra đã có sự tồn tại của cái Ác, vấn đề là sự lựa chọn. Đến ngay cả trong giáo lý nhà Phật, các thầy tu luôn răn bảo “Bồ Tát sợ nhân, con người sợ quả”.

Cốt truyện xoay quanh tình huống một người thương gia gánh chịu nỗi bất hạnh về sự mất mát người thân đã mang theo mười thỏi vàng đến một thị trấn được xem là có truyền thống sống ôn hòa, yêu thương và hướng thiện để đặt ra một thử thách: hoặc là sự phồn thịnh đời đời hoặc là tiếp tục với cuộc sống vắng lặng, tẻ nhạt và chết mòn, điều kiện là phải có một ai đó trong thị trấn phải chết, loại trừ cái chết tự nhiên. Tiến trình đi đến lựa chọn là một đoạn trường giao tranh thiện ác trong mỗi bản ngã người dân thị trấn.

Sách hiện đã có mặt tại Phòng đọc iBookStop.

Thủ thư Cú Mèo
Thư viện & Không gian tri thức iBookStop
Lầu 5 - 98 Thích Quảng Đức, P. 5, Q. Phú Nhuận, TP.HCM
ask@ibookstop.vn - ibookstop.vn@gmail.com
0903.61.31.67 - (08) 6292 1917
www.iBookStop.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét