• Chủ nghĩa Tiền phong và Hậu Hiện đại nông nổi hiện nay cũng là biểu hiện của sự thiếu tự do.
• Ruồng bỏ, hay thờ ơ với thơ là một biểu hiện của sự căm ghét tự do. Ai loại bỏ thơ khỏi đời sống của mình, người đó sẽ làm hại chính mình.
• Nếu thơ không có mặt trong sách giáo khoa, thì đó là sự suy bại của con người.
Vladimir Mikusevich (sinh năm 1936) là một dịch giả rất nổi tiếng của Nga. Những bản dịch Petrarch, Chrétien de Troyes, Rilke, Novalis và bản dịch Ezra Pound gần đây của ông đã trở thành kinh điển. Sau “cải tổ” độc giả Nga mới được biết đến các tác phẩm nghệ thuật cũng như triết học của ông. Chúng đã gây được tiếng vang lớn. Dưới đây chúng tôi xin dịch cuộc trả lời phỏng vấn của ông cho báo Độc lập (Nga).
P/V: Thưa ông, trước hết ông coi mình là một dịch giả, nhà thơ, nhà triết học hay nhà văn?
V. Mikusevich: Chị biết không, tôi đồng thời là ngần ấy “nhà”. Nhưng tôi cho rằng, trong tất cả những cái tên chị đã gọi ra thì tôi là nhà thơ. Mặc dù ở phương Tây từ “poet” không còn được dùng như ta vốn thấy nữa, mà người ta dùng từ “liric”, và như vậy có thể nói, trong tất cả các lĩnh vực ấy tôi là “liric”. Song mặt khác, tôi cho rằng, cả văn xuôi cũng là thơ. Không chỉ văn của tôi đâu, mà văn xuôi nghệ thuật nói chung – đó là thơ. Thêm nữa, triết học của tôi hoà quyện với thơ đến độ khó có thể tách bạch cái này với cái kia. Nói chung, đó là truyền thống triết học Nga. Còn về dịch, nếu không là thơ thì dịch là gì nhỉ?
P/V: Ông bắt đầu dịch trước hay làm thơ trước?
V. Mikusevich: Từ bé tôi đã tự học ngoại ngữ và biết đọc tiếng Đức từ rất sớm. Và tôi bắt đầu dịch đồng thời với làm thơ. Tôi dịch bất kể tác phẩm nào có được. Đối với tôi, dịch và thơ đan bện chặt chẽ với nhau. Với tôi dịch là đọc. Những bản dịch thơ như thế tôi làm bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi biến chúng thành những bài thơ cho mình. Tôi có cảm tưởng là độc giả nào cũng làm như thế. Với tôi, dịch là đọc tiếp những bài thơ yêu thích.
P/V: Ông được biết đến, được in ở phương Tây. Vậy vì lẽ gì ông không ra đi?
V. Mikusevich: Với tôi, rời bỏ nước Nga là điều không thể. Thơ tôi gắn bó rất mật thiết với phong cảnh nơi đây. Cái này khai triển cho cái kia. Không chỉ thơ tôi khai triển cho phong cảnh này, mà phong cảnh này cũng khai triển cho thơ tôi.
P/V: Ông đưa vào Busenhes (tuyển tập thơ của V. Mikusevich) những bài thơ nào?
V. Mikusevich: Các bài thơ trong tuyển tập này thống nhất bởi một chủ đề chung là busenhes. Busenhes là hạt mưa bụi hay một nụ tuyết nhỏ. Mỗi bài thơ ở đây là một busenhes như thế.
P/V: Ai trong số những nhà thơ mà ông đã dịch gần gũi nhất với ông về mặt tinh thần?
V. Mikusevich: Tất nhiên toàn bộ thơ tôi “đồng khí tương cầu” với thơ Rilke. Cuộc gặp gỡ Rilke đối với tôi thật tuyệt vời. Nó đến từ rất sớm. Với Pasternac – Rilke là ngữ điệu. Với tôi – Rilke là “ông mối” giữa sự sống và sự chết. Thời gian gần đây, Ezra Pound cuốn hút tôi. Nói chung, tôi luôn thích những nhà thơ bị truy bức trong cuộc sống. Cùng với Rilke, tôi muốn kể thêm tên một nhà thơ yêu thích nữa của tôi – đó là Gottfried Benn, người bị kết tội hợp tác với chủ nghĩa Nazi và suốt nhiều năm dài không được in, nhưng vẫn viết đều. Tôi rất mê thơ trữ tình của ông. Trong tác phẩm của tôi, có thể thấy cuộc đối thoại thường xuyên với Benn, và nếu tôi ít dịch ông, thì chỉ vì tôi muốn giữ thơ ông trong nguyên bản cho riêng mình. Song về cơ bản, thơ tôi có nền tảng Nga. Các nhà thơ mà tôi dịch không có ảnh hưởng văn học trực tiếp vào tôi. Tôi e rằng, đúng hơn là chất Nga đã ảnh hưởng đến các bản dịch của tôi.
P/V: Trong văn học Nga truyền thống, ai là người thân thiết với ông?
V. Mikusevich: Bunhin và Kliuev. Ngoài ra thơ Nga cổ, thời tiền Lomonoxov có ý nghĩa rất trọng đại với tôi, tranh thánh (Icon) và sáng tác của các cha xứ trong Giáo hội nữa. Và điều chính yếu là thánh lễ Chính thống giáo, vẻ đẹp của nó. Các sứ thần Nga ở Constantinople, như chúng ta đã biết, đã tiếp nhận Chính thống giáo vì vẻ đẹp của nó. Tôi cũng là một trong các sứ thần này.
P/V: Ông đánh giá như thế nào về tình hình vặn học Nga hiện nay?
V. Mikusevich: Tôi cho rằng, vặn học Nga hiện đang mắc căn bệnh thiếu tự do, mà tồi tệ hơn là nó diễn ra không phải do ngoại cảnh. Người ta luôn có gì đó tự trói buộc mình. Và cái mà họ tự trói buộc mình rất giống với các điều cấm kỵ trước đây. Những người lớn lên trong môi trường cấm kỵ ấy không thể hình dung nổi công việc của mình khi nó không còn nữa. Thêm nữa, cái chủ nghĩa Tiền phong và Hậu hiện đại nông nổi hiện nay cũng là biểu hiện của sự thiếu tự do. Đó là mong muốn thách thức các điều cấm kỵ, mà một khi đưa ra lời thách thức với chúng, tức là chúng có thực.
P/V: Theo ông nhà thơ nên có thái độ như thế nào với chính trị?
V. Mikusevich: Nhà thơ có phản ứng với tất thảy mọi thứ. Và ở ý nghĩa này, anh ta không mắc nợ một ai cả. Sẽ là tốt đẹp, nếu anh ta viết được những bài thơ hay. Thơ, nói chung, là hình thức tối cao của tự do mà con người có thể tự cho phép mình. Thơ dẫu sao đi nữa vẫn xác định cuộc sống, ngay cả khi người ta không đọc nó. Thơ có cái năng lực thần diệu của mình. Ruồng bỏ thơ hay thờ ơ với nó – đó là một biểu hiện căm ghét tự do. Một người loại bỏ thơ ra khỏi đời sống của mình sẽ làm hại chính bản thân mình. Anh ta sẽ phải trả giá cho hành động này bằng trí nhớ tồi tệ, sớm già yếu đi. Các nhà thơ, nếu không bị giết hại, trường thọ lắm. Việc thơ không được đưa vào sách giá khoa hiện nay sẽ dẫn tới sự suy bại của con người về nhiều nghĩa. Thậm chí đến hiện tượng bệnh lý như chứng liệt dục. Bởi chính thơ gắn liền với bản năng yêu trong con người.
P/V: Ông có chia sẻ với ý kiến rằng, nhà thơ ở Nga còn hơn cả nhà thơ?
V. Mikusevich: Tôi nhất quyết không đồng ý với câu nói này. Có thể tôi không hiểu ý nghĩa của nó. Nhưng theo tôi, không gì hơn được nhà thơ, bởi vì, trong truyền thống cổ xưa Đức Chúa Trời được gọi là nhà thơ đấy.
P/V: Theo ông, xã hội nên xử sự như thế nào khi nhà thơ có ý kiến trái chiều với nó?
V. Mikusevich: Xã hội nên để cho nhà thơ khả năng được là nhà thơ. Dân chủ vì điều này, và dân chủ phải cho phép nhà thơ được có và nói lên tiếng nói của mình.
Ngọc Phương Trang dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét