Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Từ cuộc chiến sách đến thị trường tự do

Trong Gullible Du Ký của tác giả Ken Schooland (Mai Huyền Chi, Ngô Thu Hương dịch, NXB Tri Thức, 2012), có chương với tựa là Cuộc Chiến Sách. Trong đó, câu chuyện bắt đầu khi Gullible chứng kiến cuộc cãi vả nảy lửa giữa một người đàn ông lớn tuổi và một người phụ nữ trẻ về sách trong thư viện. Người đàn ông than phiền rằng có quá nhiều sách về tình dục và những điều vô đạo đức, trong khi người phụ nữ cũng than phiền rằng có quá nhiều sách phân biệt chủng tộc và giới tính. Nghe có vẻ vô lý khi hai người lại cãi nhau về sách trong thư viện và sau đó cảnh sát đã đến bắt họ về đồn. Gullible đã được người đàn bà lớn tuổi đứng gần đó cho hay rằng lý do cảnh sát bắt hai người họ là vì họ không chịu đóng thuế thư viện. Theo luật, mọi người phải đóng thuế thư viện dù muốn hay không. 

Tiếp đó, người đàn ông đứng cạnh nghe thấy và bảo rằng đó là điều tất nhiên vì chính quyền đã cung cấp một dịch vụ tử tế cho người dân. Người đàn bà lớn tuổi thì không nghĩ vậy và cho rằng điều đó là phi lý vì mặc dù gọi là thư viện ‘miễn phí’ cho mọi người nhưng bằng cách này hay cách khác người dân vẫn phải trả tiền cũng như chính điều đó đã giết chết những thư viện tự nguyện mà theo bà nó đã hoạt động rất tốt và xứng đáng với đồng tiền bỏ ra cho đến khi chính quyền quy về dịch vụ công. Sau cùng thì cuộc tranh luận thứ hai không kém gì cuộc cãi vã trước đó bắt đầu và Gullible lại tiếp tục chứng kiến trong ngán ngẫm.

Qua câu chuyện này, tôi đã nghĩ đến khái niệm “xã hội thị trường” được đề cập trong Việt Nam – Mãnh hổ hay mèo rừng của giáo sư Phạm Văn Thuyết (NXB Trẻ, 2013). Xã hội thị trường nói nôm na đó là tính quốc hữu trong thị trường kinh tế. Một thị trường bị chi phối quá nhiều bởi quốc doanh thì hệ quả tất yếu là làm lũng đoạn thị trường và một mặt nào đó đã làm phá sản thị trường ngách như câu chuyện nêu trên. Bản thân kinh tế thị trường không tự nó giải quyết vấn đề xã hội mà phải do xã hội giải quyết thông qua chính sách phân phối thu nhập được toàn dân biểu quyết. Như vậy, xã hội là xã hội và thị trường là thị trường. Bản chất của thị trường đó là cạnh tranh hoàn toàn và tự do nhằm giải quyết vấn đề cung và cầu. “Cốt lõi vấn đề là vai trò chính phủ, của khu vực công, của nhà nước, lớn hay nhỏ”, GS Thuyết viết trong cuốn sách đã dẫn.

Quay trở lại câu chuyện trên, khi chính quyền đã quốc doanh thư viện với mục đích ban đầu là mang lại cơ hội đọc sách miễn phí cho toàn dân nhưng mặc khác lại bắt đầu đánh thuế thư viện trải đều trong dân chúng. Điều đó có nghĩa tôi không đọc sách, tôi không đến thư viện nhưng tôi phải trả tiền cho ‘cái-mà-tôi-không-bao-giờ-xài-đến’ hay tại sao tôi luôn không tìm thấy quyển sách tôi cần ở ‘nơi-mà-tôi-đã-trả-tiền’, điển hình là cuộc cãi vả nãy lửa của người đàn ông già và người phụ nữ trẻ. Đó là khi cung không gặp cầu.

Chưa kể, trong thời gian thư viện tự nguyện còn hoạt động, người đọc sách luôn nhận được những ưu ái từ các chủ thư viện nhằm thu hút khách hàng gắn bó lâu dài như đa dạng đầu sách, thời gian mở cửa hợp lý, nhân viên phục vụ chu đáo và chưa kể có cả dịch vụ giao nhận tận nơi. Đó là sự tự do cạnh tranh trong kinh doanh.

Trái lại, khi thư viện trở thành quốc doanh, mọi thứ bắt đầu ì ạch bắt đầu là thời gian mở cửa bất hợp lý khi cuối tuần là thời gian rảnh rỗi của dân chúng thì thư viện lại đóng cửa và nguồn sách đầu tư ít hơn vì phải nuôi bộ máy nhân sự nhiều trên mức cần thiết và người đọc không nhận được bất kỳ dịch vụ tiện ích nào khác ngoài việc phải đến thư viện để đọc sách thay vì sách được giao tận nơi như trước đây. Đó là sự hoang phí của công và trở thành vấn đề của xã hội chứ không còn là vấn đề của các nhà đầu tư kinh doanh. Vấn đề của các nhà kinh doanh giờ đây là đi tìm cái bánh mới thay cho cái bánh hiện tại vì chẳng có ai muốn chi trả hai lần cho khoản phí đọc sách.

Sau cùng, quốc doanh vốn dĩ không thuộc về thị trường tự do, mà tự do chính là đặc trưng của nền kinh tế thị trường. Và, một khi trong nền kinh tế đó, kinh tế quốc doanh áp đảo kinh tế tư nhân thì sẽ trở thành xã hội thị trường. Như cựu thủ tướng Pháp Lionel Jospintừng nói có thể nên chấp nhận kinh tế thị trường nhưng không chấp nhận ‘xã hội thị trường’ vì khi đó rơi vào trạng thái kinh tế thị trường hỗn loạn, đầy rẫy bất công và cách biệt giàu nghèo quá nhiều.

Viết bởi Thư Lê (Sáng lập Thư viện iBookStop) - Biên tập: Nguyễn Văn Vĩnh (Thời báo Kinh tế Sài Gòn & Sài Gòn Tiếp Thị) - www.ibookstop.vn
(Trích đăng từ báo Sài Gòn Tiếp Thị, số ra ngày 16/4/2014)

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Điểm sách tháng 04/2014

Sài Gòn bắt đầu vào thời điểm chuyển mùa và sẽ có những cơn mưa đầu mùa bất chợt. Những cơn mưa khi vừa bắt đầu mang lại cảm giác dễ chịu như xua tan cái nóng oi bức nhưng khi cơn mưa qua đi, nó đã để lại cảm giác oi nồng khó chịu. Vậy đó, khi chúng ta đón nhận sự tốt đẹp nhưng cũng cùng lúc đón nhận sự bất thuận không mong đợi.

Cuộc sống vốn dĩ là vậy và riêng sách vẫn theo cái cách tĩnh lặng, sách luôn giữ nguyên vẹn cảm giác ban đầu khi giao duyên với bạn. Dù mới đọc lần đầu hay đọc lại lần thứ “n”, cảm giác vẫn như thế và chúng ta như sống lại một lần nữa trong hóa thân của các nhân vật. Sách không ràng buộc hay hạn chế bạn mà luôn khuyến khích bạn hóa thân thành nhiều nhân vật khác nhau để cảm nhận về cuộc sống ở mọi góc độ khác nhau.

Trong tháng 4 này, các thủ thư cú mèo gợi ý bạn những nhân vật sau để bước vào thế giới của những trang sách:

Cảnh sát trưởng Jean-Baptiste Adamsberg trong Trong những cánh rừng vĩnh cửu
Khác với Sherlock Holmes được mô tả như một thám tử uyên bác với tư duy logic xuất sắc, cảnh sát trưởng Adamsberg với phong thái điềm đạm nhưng lại chất chứa những suy tư của một tâm hồn nhạy cảm. Không dồn dập, không có cái giật gân loạn đã đẫm máu để níu giữ người đọc và chỉ nhấn nha dẫn dắt người đọc đi từ chi tiết này đến chi tiết khác, có vẻ rời rạc như trò chơi xếp hình và khi chỉ còn những mảnh ghép cuối, người đọc có cảm giác rùng mình với tội ác điêu luyện của kẻ sát nhân.

Nếu như bạn là cảnh sát trưởng Adamsberg, bạn sẽ làm gì với những manh mối để lại của thủ phạm? “Hãy nhìn xem, tên La Mã cuối cùng đang hấp hối, Đã giết hắn, ta chết đi được vì khoái trá”, “Có một cái xương trong mõm lợn, Có một cái xương trong dương vật mèo”, “phần còn sống của các trinh nữ” và “thánh giá sống ở trong gỗ vĩnh cửu”…

Bạn sẽ là Madeline hay là Johnathan hay Alice trong Cuộc gọi từ thiên thần?
Madeline là chủ cửa hàng hoa tươi ở Paris - Pháp.

Johnathan là chủ nhà hàng nhỏ ở San Francisco – Mỹ.

Alice là móc xích của Madeline và Jonathan đồng thời cũng là nhân tố bí ẩn.

Sẽ chẳng thể nào gặp nhau nếu như họ đã không cầm nhầm điện thoại và dường như định mệnh đã buộc họ phải giao nhau chỉ để tháo gỡ một gút mắc vốn dĩ chôn sâu trong mỗi người, nó âm ỉ qua từng ngày và chỉ có người này mới có thể giúp người kia tháo gỡ, rồi sau cùng gút mắc đó là gì? Chỉ biết nó có liên quan đến máu, đến việc mất tích hàng năm trời của một cô bé sống ở khu ổ chuột và có khả năng là nạn nhân của tên sát nhân hàng loạt hay có đúng là có liên quan đến sự sắp đặt của trùm mafia khét tiếng về sự tàn nhẫn?


Nếu chỉ đơn giản bạn là một người đàn ông hết sức bình thường, bạn có chọn vào vai người cha 29 tuổi độc thân nuôi con như Takumi trong Em sẽ đến cùng cơn mưa?

Nếu định mệnh sắp đặt bạn phải chia lìa người phụ nữ bạn hết mực yêu thương, để lại đứa con trai 5 tuổi, quan trọng hơn bạn phải sống chung với căn bệnh kỳ quặc hạn chế bạn phải làm những điều hết sức bình thường mà bất kỳ ai là người trưởng thành đều có thể làm được như lái xe hơi, đi tàu điện, xe buýt, đến rạp xem phim cùng con… thậm chí là bạn còn phải đối diện với sự thật là chứng hay quên có thể sẽ làm bạn không nhớ đến sự tồn tại của con trai hay không còn giữ được ký ức với người vợ quá cố… Có quá nhiều thử thách và liệu bạn có chọn cách như Takumi để vượt qua không?

*****

Trong phần tiếp theo, các thủ thư cú mèo điểm lại những đầu sách mới được xếp lên kệ của thư viện iBookStop:

Văn học
  1. Hỏa ngục – Dan Brown
  2. Mạnh hơn sợ hãi – Marc Levy
  3. Nhật ký của mẹ - Kawa Chan
  4. Sinh ra là thế - Nguyễn Ngọc Thuần
  5. Nỗi buồn rực rỡ - Nhiều tác giả
  6. Người bên lề - Thiên Sơn
  7. Sao mãi còn độc thân – Liz Tuccillo
  8. Hành trình tình yêu – Katie Fforde
  9. Committed a love story – Elizabeth Gilbert
  10. Send me someone – Diana von Welanetz Wentworth

Văn hóa/Lịch sử/Tôn giáo
  1. Song Xưa Phố Cũ – Trần Hậu Yên Thế
  2. Văn học và Cái ác – George Batalie
  3. 1000 năm Thăng Long Hà Nội – Nguyễn Vĩnh Phúc
  4. Đừng mơ từ bỏ sách giấy – Jean-Claude Carrière & Umberto Eco

Quản trị/Kinh tế
  1. 72 Thuật tấn công tâm lý trong bán lẻ – Bảo Ninh & Hà Anh chủ biên
  2. Nghệ thuật viết quảng cáo – Victor O. Schwab
  3. Success – Richard Gavriel
  4. The disgruntled employee – Peter Morris

Tâm lý/Nghệ thuật sống
  1. Đám đông cô đơn - David Riesman, Nathan Glazer, Reuel Denney
  2. Trị người vị kỷ - PhD. Les Carter
  3. Đường xưa mây trắng – Thích Nhất Hạnh
  4. Giận – Thích Nhất Hạnh

Làm cha mẹ/Nuôi dạy trẻ
  1. Hành trình mang thai – Nhiều tác giả
  2. Yêu thương & tự do – Tôn Thị Thuyết
  3. Cha mẹ là người thầy đầu tiên tốt nhất – Thôi Hoa Phương
  4. Nói sao cho trẻ chịu học - Adele Faber

Thiết kế/Mỹ thuật
  1. The Elements of Design - Poppy Evans, Mark A. Thomas
  2. Designing for Growth - Jeanie Liedtka & Tim Ogilvie
  3. Logo Design Love - David Airey
  4. Design & Layout 1 - Roger C. Parker's

Sau cùng, thống kê sơ bộ của các thủ thư cú mèo cho thấy, đây là một số trong những sách được đặt mượn đọc nhiều nhất tại Thư viện iBookStop.
  1. Lạc giữa nhân gian – Đặng Nguyễn Đông Vy
  2. Trên đường rong ruổi – Phạm Công Luận
  3. Chúc một ngày tốt lành – Nguyễn Nhật Ánh
  4. Đôi khi tình yêu chỉ là chuyện một người – Thiên Bình
  5. Đi qua thương nhớ - Nguyễn Phong Việt
  6. Đừng nói với anh ấy tôi vẫn còn yêu – Lục Xu
  7. Kẻ ích kỷ lãng mạn - Frédéric Beigbeder
Như vậy, phần điểm sách của tháng 4 tạm thời khép lại và mong rằng bạn có thể chọn được quyển sách ưng ý, hoặc có thể chuyện trò với các thủ thư cú mèo để chọn cho mình những quyển sách phù hợp hơn.

Điều vui mừng trong thời gian qua là thư viện iBookStop đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều không chỉ riêng bạn đọc hội viên của iBookStop mà còn từ những người làm sách đã gửi đến thư viện những quyển sách quý giá. Rất mong tiếp tục đón nhận sự chia sẻ từ các bạn yêu sách.

Mọi ý kiến đóng góp vui lòng gửi mail về ask@ibookstop.vn.

Thủ thư Cú Mèo
Thư viện iBookStop
www.ibookstop.vn

Book & Roses: Tích điểm & Quy đổi

Các thành viên thân mến,

Các bạn có biết rằng mỗi thao tác đặt mượn, trả sách, gia hạn hay bình luận sách, gửi bài viết của bạn và cả mời bạn bè cùng đọc sách đều được tính điểm không?

Nếu bạn đã tham khảo nội dung Giới thiệu Điểm thành viên thì với những bạn đang sử dụng dịch vụ của thư viện sẽ cảm thấy vui khi mình đã tích được một số điểm kha khá rồi. Bảng kê điểm tính lũy (còn gọi là MP Mini-Statement) sẽ được gửi định kỳ mỗi tháng vào ngày 20 kèm theo danh sách quà tặng với số điểm cần có để quy đổi.
Đây là chương trình dành cho hội viên iBookStop với tên gọi Book & Roses, nghĩa là sách và những đóa hồng. Bởi chính sự gắn bó của bạn với sách đã nảy nở một tình yêu từ sách và tình yêu ấy đã trở thành những đóa hồng trao tặng lại bạn.

Vậy nên giờ đây việc đọc sách của bạn trở nên thú vị hơn ngoài việc mượn sách về đọc mà bạn còn tích lũy điểm, quy đổi quà tặng và lại còn có thêm không gian đánh giá, nhận xét, phê bình sách hay cả thử sức với việc viết lách, sáng tác.

Câu hỏi tiếp theo là “tôi sẽ làm điều đó như thế nào?”. Rất đơn giản, bạn hãy xem hướng dẫn sau đây:

Gửi đánh giá, nhận xét, phê bình sách như thế nào?

Sau khi đăng nhập, chọn quyển sách bạn muốn đánh giá; sau đó, bạn chọn thẻ Ý kiến bạn đọc, nhập nội dung và Gởi ý kiến.

Lưu ý: Những nội dung nhận xét cần viết có dấu đối với ngôn ngữ Việt, câu cú rõ ràng và không mang tính chỉ trích, thiếu tôn trọng vì như vậy sẽ không được duyệt đăng.

Gửi bài viết như thế nào?

Hãy chắc chắn rằng bạn đã đăng nhập và vào mục Góc Café, tại đây bạn sẽ thấy chuyên mục Café Noir Blog và ghé vào đây. Nhập tiêu đề, mô tả ngắn và nội dung bài viết của bạn và chọn Gởi bài viết.

Thủ thư Cú Mèo sẽ biên tập nội dung cùng bạn và đăng công khai trên website của thư viện cũng như chia sẻ đến cộng đồng qua bản tin hàng tuần.

Nội dung bài viết có thể xoay quanh những chủ đề sau:

- Bài cảm nhận về một quyển sách

- Câu chuyện liên quan đến một quyển sách, tác giả

- Cảm xúc, suy nghĩ, suy tư của bạn về cuộc sống

Gợi ý: Bạn có thể soạn sẵn trên file word, font Arial và copy vào trang như vậy sẽ thuận tiện hơn.

Đóng góp sách như thế nào?

Nếu bạn đang là hội viên của thư viện, bạn có thể đóng góp sách và quy đổi thành điểm tích lũy. Hãy liên hệ với các thủ thư và thông báo rằng bạn muốn đóng góp sách.

Lưu ý: Thư viện chỉ ưu tiên những sách thuộc danh mục hiện có của thư viện và đảm bảo rằng sách của bạn vẫn còn mới từ 80% và nguyên vẹn.

Mời bạn bè cùng tham gia, cùng đọc sách

Đó là khi bạn mời bạn bè cùng đọc sách, cùng trở thành hội viên iBookStop thành công, bạn và bạn của bạn sẽ đều được nhận điểm thưởng tích lũy.

Sau cùng là ngoài lề xíu, nếu bạn đang ấp ủ ý tưởng kinh doanh hay đang là chủ của những món hàng lạ - độc thì các bạn có thể kết hợp với iBookStop để giới thiệu sản phẩm đến cộng đồng thông qua chương trình Điểm thành viên.

** Danh sách quà tặng **

Hãy khám phá và thử xem, bạn nhé!

Mọi thông tin chi tiết hay thắc mắc, vui lòng gửi mail về ask@ibookstop.vn.

Thủ thư Cú Mèo
Thư viện iBookStop
www.iBookStop.vn

Trang sách - Màn hình Thời Internet


Hội thảo Trang sách và Màn hình Thời Internet đã được diễn ra vào một buổi tối ngày 20/3/2014, vào đúng ngày Quốc tế Hạnh phúc, tại Thư viện đa phương tiện IDECÁF. Buổi hội thảo này được tổ chức bởi Công ty Sao Bắc Media với sự bảo trợ của Lãnh sự quán Pháp và Viện trao đổi văn hóa với Pháp – Thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp xuất bản bằng tiếng Việt tác phẩm “Đừng mơ từ bỏ sách giấy” của Jean-Claude Carrière và Umberto Eco.

Diễn giả chính của buổi hội thảo là ông Phạm Sỹ Sáu, hiện là Phó Chủ tịch Hội nhà văn và là Trưởng phòng Truyền thông, kiêm phụ trách Khai thác Tác quyền trong nước của Nhà xuất bản Trẻ và ông Nguyễn Trí Dũng – Phó Giám đốc Công ty Sao Bắc Media.
Lời mở đầu từ đại diện Lãnh sự quán Pháp
Mở đầu buổi hội thảo, ông Phạm Sỹ Sáu đã nhấn mạnh tác phẩm “Đừng mơ từ bỏ sách giấy” đã xuất bản vào đúng thời điểm khi mà văn hóa đọc đang xuống cấp một cách trầm trọng và trong đó vấn đề chính yếu là đạo đức cư xử giữa người với nhau. Trong thời đại số ngày nay, một điều phải thừa nhận rằng tốc độ phát triển của công nghệ đã tác động không ít đến mọi phương diện của cuộc sống và câu hỏi đặt ra liệu sách giấy có thể tồn tại?

Tác phẩm “Đừng mơ từ bỏ sách giấy” là một cuộc đối thoại của hai học giả hàng đầu thế giới là Jean-Claude Carrière và Umberto Eco mà theo ông Phạm Sỹ Sáu nhận định đây là một tác phẩm khó đọc vì nó chứa đựng tri thức của loài người từ thời cổ đại đến ngày nay khi cuộc đối thoại của hai ông không chỉ dừng lại ở việc sách giấy sẽ tồn tại không và có bị thay thế bằng một phương tiện nào khác như sách điện tử không mà còn chỉ ra giá trị không thể thay thế của sách giấy với những minh chứng trong lịch sử.
Ông Phạm Sỹ Sáu chia sẻ những điều ông nghiệm ra được từ tác phẩm "Đừng mơ từ bỏ sách giấy"
Trong tác phẩm có đề cập đến việc “kiểm duyệt bằng lửa” mà theo hai nhà học giả thừa nhận rằng đó là phương tiện kiểm duyệt đáng sợ nhất của lịch sử sách in, đồng thời ông Phạm Sỹ Sáu cũng chỉ ra một ý nghĩa khác của “kiểm duyệt bằng lửa” trong hiện nay rằng không phải tất cả các tác phẩm được viết ra đều được in và xuất bản. Tại một không gian một thời điểm nào đó trong tiến trình lịch sử loài người, sách in là một nhân chứng thời đại và có giá trị ảnh hưởng sâu sắc đến một cộng đồng điều mà khiến các nhà cầm quyền luôn phải lo ngại và tìm cách tiêu hủy, thường thì lửa là lựa chọn tốt nhất. Giả sử như những ghi chép lịch sử được lưu lại bằng phương tiện số thì không bằng cách này hay cách khác những ghi chép đó sẽ biến mất theo cách đã tạo ra nó trong khi sách giấy thì không. Bởi theo ông, sách giấy mang lại cảm xúc cho người sở hữu nó với tất cả các giác quan. Chính vì vậy, trong quá trình tiêu hủy sẽ có những trường hợp ngoại lệ với những con người ngoại lệ.

Có một giả định được đưa ra trong bối cảnh internet bị kiểm soát gắt gao như tại Trung Quốc. Nếu như chính quyền Trung Quốc không thừa nhận một dân tộc nào đó trên đất nước họ thì mọi tài liệu về dân tộc đó trên internet sẽ bị xóa bỏ và không bất kỳ ai có thể truy lục được thông tin, vô hình chung cả thế giới đều không ai biết có sự tồn tại của dân tộc đó ngoại trừ những tài liệu giấy được lưu truyền ra thế giới bên ngoài. Nói vui như ông Phạm Sỹ Sáu là nếu trong thế giới ảo tồn tại sự thật không nên tồn tại thì trong đời thật sẽ tìm cách xóa sự thật trong thế giới ảo, “thật - ảo khó phân”.

Nếu phương tiện số là công cụ hiện đại giúp ghi lại hàng ngàn trang sách vào một thiết bị thì câu hỏi đặt ra nó sẽ lưu trữ lại được trong bao lâu và liệu rằng phương tiện số thời hiện đại nhất có đọc được những tài liệu được tạo ra bằng phương tiện số thời đại trước. Có là bao xa khi trong vòng 20 năm gần đây, những cuộn băng cassette, những CD-ROM, những VCD hay những file lưu trữ định dạng trên phần mềm phiên bản đầu sẽ còn đọc được với những thiết bị hiện đại tân tiến ngày nay hay như để tham khảo lại một tài liệu của 20 năm trước trên cuốn băng từ bắt buộc phải giữ lại thiết bị có thể đọc được băng từ thì may ra vì giờ đây chẳng ai còn giữ lại.

Mặt khác, hai học giả còn đề cập đến một mệnh đề lạ lùng “sách là sự ca ngợi ngu ngốc”. Nghe có vẻ vô lý nhưng lại hoàn toàn hợp lý khi có sự tác động của yếu tố chính trị ở mỗi thời đại của một nhà cầm quyền. Có những sự thật lịch sử, mặt thật của xã hội đã không được ghi lại mà thay vào đó là sự ca tụng thống trị của nhà cầm quyền đương thời như vậy chẳng phải “sách là sự ca ngợi ngu ngốc”?

Trong đoạn cuối của phần trình bày của ông Phạm Sỹ Sáu, ông đã dẫn ra những con số thật đáng buồn về văn hóa đọc của Việt Nam. Nếu như tại Singapore có 10 triệu dân hay như tại Cambodia có 13 triệu dân thì một lần xuất bản của một quyển sách là 15 ngàn bản, trong khi ở Việt Nam với dân số là 80 – 90 triệu dân nhưng một lần xuất bản chỉ có một ngàn bản. Trong khi tỉ lệ đọc sách trong một năm của một người tại Thái Lan là 15 quyển thì tại Việt Nam con số đó chỉ vỏn vẹn ở 0,897 quyển. Chính điều này đã khó đưa những quyển sách hay về Việt Nam vì đây không phải là thị trường dành cho văn hóa đọc.

Cuối cùng, ông mượn trích dẫn từ tác phẩm “Đừng mơ từ bỏ sách giấy” với câu “sách là sự nối dài của ký ức” vậy nên đừng để ký ức bị đứt đoạn và nhấn mạnh khi việc đọc sách trở thành một nhu cầu thiết yếu cũng giống như nhu cầu thở thì sẽ kiến tạo văn hóa tri thức và nhân văn bền vững trong xã hội loài người.

Tin từ Thư viện iBookStop
www.ibookstop.vn

(Vui lòng trích dẫn nguồn khi chia sẻ. Cảm ơn bạn!)