Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Từ cuộc chiến sách đến thị trường tự do

Trong Gullible Du Ký của tác giả Ken Schooland (Mai Huyền Chi, Ngô Thu Hương dịch, NXB Tri Thức, 2012), có chương với tựa là Cuộc Chiến Sách. Trong đó, câu chuyện bắt đầu khi Gullible chứng kiến cuộc cãi vả nảy lửa giữa một người đàn ông lớn tuổi và một người phụ nữ trẻ về sách trong thư viện. Người đàn ông than phiền rằng có quá nhiều sách về tình dục và những điều vô đạo đức, trong khi người phụ nữ cũng than phiền rằng có quá nhiều sách phân biệt chủng tộc và giới tính. Nghe có vẻ vô lý khi hai người lại cãi nhau về sách trong thư viện và sau đó cảnh sát đã đến bắt họ về đồn. Gullible đã được người đàn bà lớn tuổi đứng gần đó cho hay rằng lý do cảnh sát bắt hai người họ là vì họ không chịu đóng thuế thư viện. Theo luật, mọi người phải đóng thuế thư viện dù muốn hay không. 

Tiếp đó, người đàn ông đứng cạnh nghe thấy và bảo rằng đó là điều tất nhiên vì chính quyền đã cung cấp một dịch vụ tử tế cho người dân. Người đàn bà lớn tuổi thì không nghĩ vậy và cho rằng điều đó là phi lý vì mặc dù gọi là thư viện ‘miễn phí’ cho mọi người nhưng bằng cách này hay cách khác người dân vẫn phải trả tiền cũng như chính điều đó đã giết chết những thư viện tự nguyện mà theo bà nó đã hoạt động rất tốt và xứng đáng với đồng tiền bỏ ra cho đến khi chính quyền quy về dịch vụ công. Sau cùng thì cuộc tranh luận thứ hai không kém gì cuộc cãi vã trước đó bắt đầu và Gullible lại tiếp tục chứng kiến trong ngán ngẫm.

Qua câu chuyện này, tôi đã nghĩ đến khái niệm “xã hội thị trường” được đề cập trong Việt Nam – Mãnh hổ hay mèo rừng của giáo sư Phạm Văn Thuyết (NXB Trẻ, 2013). Xã hội thị trường nói nôm na đó là tính quốc hữu trong thị trường kinh tế. Một thị trường bị chi phối quá nhiều bởi quốc doanh thì hệ quả tất yếu là làm lũng đoạn thị trường và một mặt nào đó đã làm phá sản thị trường ngách như câu chuyện nêu trên. Bản thân kinh tế thị trường không tự nó giải quyết vấn đề xã hội mà phải do xã hội giải quyết thông qua chính sách phân phối thu nhập được toàn dân biểu quyết. Như vậy, xã hội là xã hội và thị trường là thị trường. Bản chất của thị trường đó là cạnh tranh hoàn toàn và tự do nhằm giải quyết vấn đề cung và cầu. “Cốt lõi vấn đề là vai trò chính phủ, của khu vực công, của nhà nước, lớn hay nhỏ”, GS Thuyết viết trong cuốn sách đã dẫn.

Quay trở lại câu chuyện trên, khi chính quyền đã quốc doanh thư viện với mục đích ban đầu là mang lại cơ hội đọc sách miễn phí cho toàn dân nhưng mặc khác lại bắt đầu đánh thuế thư viện trải đều trong dân chúng. Điều đó có nghĩa tôi không đọc sách, tôi không đến thư viện nhưng tôi phải trả tiền cho ‘cái-mà-tôi-không-bao-giờ-xài-đến’ hay tại sao tôi luôn không tìm thấy quyển sách tôi cần ở ‘nơi-mà-tôi-đã-trả-tiền’, điển hình là cuộc cãi vả nãy lửa của người đàn ông già và người phụ nữ trẻ. Đó là khi cung không gặp cầu.

Chưa kể, trong thời gian thư viện tự nguyện còn hoạt động, người đọc sách luôn nhận được những ưu ái từ các chủ thư viện nhằm thu hút khách hàng gắn bó lâu dài như đa dạng đầu sách, thời gian mở cửa hợp lý, nhân viên phục vụ chu đáo và chưa kể có cả dịch vụ giao nhận tận nơi. Đó là sự tự do cạnh tranh trong kinh doanh.

Trái lại, khi thư viện trở thành quốc doanh, mọi thứ bắt đầu ì ạch bắt đầu là thời gian mở cửa bất hợp lý khi cuối tuần là thời gian rảnh rỗi của dân chúng thì thư viện lại đóng cửa và nguồn sách đầu tư ít hơn vì phải nuôi bộ máy nhân sự nhiều trên mức cần thiết và người đọc không nhận được bất kỳ dịch vụ tiện ích nào khác ngoài việc phải đến thư viện để đọc sách thay vì sách được giao tận nơi như trước đây. Đó là sự hoang phí của công và trở thành vấn đề của xã hội chứ không còn là vấn đề của các nhà đầu tư kinh doanh. Vấn đề của các nhà kinh doanh giờ đây là đi tìm cái bánh mới thay cho cái bánh hiện tại vì chẳng có ai muốn chi trả hai lần cho khoản phí đọc sách.

Sau cùng, quốc doanh vốn dĩ không thuộc về thị trường tự do, mà tự do chính là đặc trưng của nền kinh tế thị trường. Và, một khi trong nền kinh tế đó, kinh tế quốc doanh áp đảo kinh tế tư nhân thì sẽ trở thành xã hội thị trường. Như cựu thủ tướng Pháp Lionel Jospintừng nói có thể nên chấp nhận kinh tế thị trường nhưng không chấp nhận ‘xã hội thị trường’ vì khi đó rơi vào trạng thái kinh tế thị trường hỗn loạn, đầy rẫy bất công và cách biệt giàu nghèo quá nhiều.

Viết bởi Thư Lê (Sáng lập Thư viện iBookStop) - Biên tập: Nguyễn Văn Vĩnh (Thời báo Kinh tế Sài Gòn & Sài Gòn Tiếp Thị) - www.ibookstop.vn
(Trích đăng từ báo Sài Gòn Tiếp Thị, số ra ngày 16/4/2014)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét