Hội thảo Trang sách và Màn hình Thời Internet đã được diễn ra vào một buổi tối ngày 20/3/2014, vào đúng ngày Quốc tế Hạnh phúc, tại Thư viện đa phương tiện IDECÁF. Buổi hội thảo này được tổ chức bởi Công ty Sao Bắc Media với sự bảo trợ của Lãnh sự quán Pháp và Viện trao đổi văn hóa với Pháp – Thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp xuất bản bằng tiếng Việt tác phẩm “Đừng mơ từ bỏ sách giấy” của Jean-Claude Carrière và Umberto Eco.
Diễn giả chính của buổi hội thảo là ông Phạm Sỹ Sáu, hiện là Phó Chủ tịch Hội nhà văn và là Trưởng phòng Truyền thông, kiêm phụ trách Khai thác Tác quyền trong nước của Nhà xuất bản Trẻ và ông Nguyễn Trí Dũng – Phó Giám đốc Công ty Sao Bắc Media.
Lời mở đầu từ đại diện Lãnh sự quán Pháp |
Mở đầu buổi hội thảo, ông Phạm Sỹ Sáu đã nhấn mạnh tác phẩm “Đừng mơ từ bỏ sách giấy” đã xuất bản vào đúng thời điểm khi mà văn hóa đọc đang xuống cấp một cách trầm trọng và trong đó vấn đề chính yếu là đạo đức cư xử giữa người với nhau. Trong thời đại số ngày nay, một điều phải thừa nhận rằng tốc độ phát triển của công nghệ đã tác động không ít đến mọi phương diện của cuộc sống và câu hỏi đặt ra liệu sách giấy có thể tồn tại?
Tác phẩm “Đừng mơ từ bỏ sách giấy” là một cuộc đối thoại của hai học giả hàng đầu thế giới là Jean-Claude Carrière và Umberto Eco mà theo ông Phạm Sỹ Sáu nhận định đây là một tác phẩm khó đọc vì nó chứa đựng tri thức của loài người từ thời cổ đại đến ngày nay khi cuộc đối thoại của hai ông không chỉ dừng lại ở việc sách giấy sẽ tồn tại không và có bị thay thế bằng một phương tiện nào khác như sách điện tử không mà còn chỉ ra giá trị không thể thay thế của sách giấy với những minh chứng trong lịch sử.
Ông Phạm Sỹ Sáu chia sẻ những điều ông nghiệm ra được từ tác phẩm "Đừng mơ từ bỏ sách giấy" |
Có một giả định được đưa ra trong bối cảnh internet bị kiểm soát gắt gao như tại Trung Quốc. Nếu như chính quyền Trung Quốc không thừa nhận một dân tộc nào đó trên đất nước họ thì mọi tài liệu về dân tộc đó trên internet sẽ bị xóa bỏ và không bất kỳ ai có thể truy lục được thông tin, vô hình chung cả thế giới đều không ai biết có sự tồn tại của dân tộc đó ngoại trừ những tài liệu giấy được lưu truyền ra thế giới bên ngoài. Nói vui như ông Phạm Sỹ Sáu là nếu trong thế giới ảo tồn tại sự thật không nên tồn tại thì trong đời thật sẽ tìm cách xóa sự thật trong thế giới ảo, “thật - ảo khó phân”.
Nếu phương tiện số là công cụ hiện đại giúp ghi lại hàng ngàn trang sách vào một thiết bị thì câu hỏi đặt ra nó sẽ lưu trữ lại được trong bao lâu và liệu rằng phương tiện số thời hiện đại nhất có đọc được những tài liệu được tạo ra bằng phương tiện số thời đại trước. Có là bao xa khi trong vòng 20 năm gần đây, những cuộn băng cassette, những CD-ROM, những VCD hay những file lưu trữ định dạng trên phần mềm phiên bản đầu sẽ còn đọc được với những thiết bị hiện đại tân tiến ngày nay hay như để tham khảo lại một tài liệu của 20 năm trước trên cuốn băng từ bắt buộc phải giữ lại thiết bị có thể đọc được băng từ thì may ra vì giờ đây chẳng ai còn giữ lại.
Mặt khác, hai học giả còn đề cập đến một mệnh đề lạ lùng “sách là sự ca ngợi ngu ngốc”. Nghe có vẻ vô lý nhưng lại hoàn toàn hợp lý khi có sự tác động của yếu tố chính trị ở mỗi thời đại của một nhà cầm quyền. Có những sự thật lịch sử, mặt thật của xã hội đã không được ghi lại mà thay vào đó là sự ca tụng thống trị của nhà cầm quyền đương thời như vậy chẳng phải “sách là sự ca ngợi ngu ngốc”?
Trong đoạn cuối của phần trình bày của ông Phạm Sỹ Sáu, ông đã dẫn ra những con số thật đáng buồn về văn hóa đọc của Việt Nam. Nếu như tại Singapore có 10 triệu dân hay như tại Cambodia có 13 triệu dân thì một lần xuất bản của một quyển sách là 15 ngàn bản, trong khi ở Việt Nam với dân số là 80 – 90 triệu dân nhưng một lần xuất bản chỉ có một ngàn bản. Trong khi tỉ lệ đọc sách trong một năm của một người tại Thái Lan là 15 quyển thì tại Việt Nam con số đó chỉ vỏn vẹn ở 0,897 quyển. Chính điều này đã khó đưa những quyển sách hay về Việt Nam vì đây không phải là thị trường dành cho văn hóa đọc.
Cuối cùng, ông mượn trích dẫn từ tác phẩm “Đừng mơ từ bỏ sách giấy” với câu “sách là sự nối dài của ký ức” vậy nên đừng để ký ức bị đứt đoạn và nhấn mạnh khi việc đọc sách trở thành một nhu cầu thiết yếu cũng giống như nhu cầu thở thì sẽ kiến tạo văn hóa tri thức và nhân văn bền vững trong xã hội loài người.
Tin từ Thư viện iBookStop
www.ibookstop.vn
(Vui lòng trích dẫn nguồn khi chia sẻ. Cảm ơn bạn!)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét