Nhắc đến trà thì chúng ta nghĩ ngay đến Trung Quốc và nghệ thuật hơn thì có trà đạo Nhật Bản. Có một điều hiển nhiên là dường như mọi người cho rằng Trung Quốc là cái nôi của trà, là nơi khởi nguồn và truyền bá trà ra thế giới; nhưng theo ông Vũ Thế Ngọc, tác giả Trà Kinh (NXB Từ điển Bách Khoa, Thái Hà Books, 2014), cho rằng không có tài liệu viết nào nói cây trà đã xuất hiện ở thời cổ Trung Quốc, không có cây trà trạng thái thiên nhiên trên đất Trung Quốc và sử Trung Quốc cho thấy trà, hay tục uống trà là từ miền Nam đưa lên miền Bắc, nghĩa là trà phải có xuất phát điểm từ phía Nam sông Dương Tử hoặc vùng biên giới Tây Nam.
Và, chúng ta thường nghe đến Trung Quốc với thập đại danh trà như Trà Long Tỉnh, Trà Thiết Quan Âm, Trà Mao Phong, Trà Qua Phiến, Trà Ngân Châm v.v… như một sự khẳng định chắc chắn hơn về xuất xứ trà là từ Trung Quốc nhưng chúng ta lại ít nghe nói đến vùng đất nào ở Trung Quốc trồng trà cả. Bởi có trồng trà thì mới có trà và phải có sự du nhập cộng hưởng với đạo giáo thì trà mới được “phát danh quang đại” trên thế giới, nhưng đáng kể nhất xuất phát điểm chính là từ thời nhà Đường (618 – 907), không chỉ trà mà Phật giáo được truyền bá rộng rãi. Do vậy, chỉ có thể nói từ Trung Quốc mà trà đã trở nên phổ biến trên thế giới thay vì Trung Quốc là cội nguồn của trà. Tương tự vậy, Phật Giáo từng là Quốc giáo của nước Đại Việt và chúng ta vẫn luôn nghĩ rằng từ Trung Quốc mà Phật giáo du nhập và truyền bá ở nước ta nhưng thật sự dân tộc ta đã biết về Phật giáo từ trước khi tôn giáo này trở nên lan tỏa mạnh mẽ.
Nhân câu truyện về trà, tôi lại muốn viết thêm về đặc tính người Việt mình, dù trải qua hàng ngàn năm đô hộ, chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa, truyền thống, lối sống của các nước cai trị thì đặc tính an hòa của dân tộc Việt Nam vẫn không thay đổi, “không bao giờ chấp nhận một quan điểm bảo thủ, giáo điều và độc tôn” (*). Trong khi người Trung Quốc không ngừng ca ngợi về lịch sử hùng tráng và siêu việt đến thế giới qua phim ảnh, nghệ thuật, những truyền tụng về thành tích vượt bậc hơn người như Vạn Lý Trường Thành, cuộc xâm lăng không khoan nhượng của Thành Cát Tư Hãn từ Á sang Âu, sự ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, Khổng Tử đến các nước lân cận hay cụm từ “Chinese tea” (trà Tàu, trà Trung Hoa) trở thành danh từ chung khi nói về trà thì người Việt ta lại ung dung tự tại với những nhàn nhã đời thường, thể hiện một lối sống cao thượng đạo vị. Dẫn chứng như quân Mông Cổ có hung hãn, bạo tàn và bách chiến bách thắng đến đâu nhưng sự thật lịch sử đã bị vị đại tướng quân Trần Quang Khải của nước Đại Việt đánh tan tành. Chúng ta không quá đề cao chiến thắng đó vì sau cùng “việc nhân nghĩa cốt để yên dân”.
Cũng bởi đặc tính an hòa mà hình thành nên văn hóa Đại Việt – một sự kết tụ của Phật – Lão – Khổng và Bách Gia chư tử từ đó mà những người con dân tộc Việt sống rất đạo và chết rất Phật. Mặc dù chịu ảnh hưởng của đạo giáo từ Trung Hoa nhưng chúng ta cũng nhìn nhận rằng người Việt ta không bị trói buộc vào những điều răn dạy của đạo giáo một cách cực đoan, mà chỉ học hỏi từ những điều hay lẽ phải và áp dụng vào cuộc sống.
Từ câu chuyện về trà lan man đến đặc tính người Đại Việt và rồi xin phép được quay về trà, tôi mạn phép kết bài rằng nếu việc thưởng trà của người Trung Hoa, Nhật Bản gắn liền với đạo thì với người Việt, việc thưởng trà cũng như thú vui đời thường “không giáo điều” mà thôi:
“Thử lai yêu khách nghiêu trà uyển
Vũ quá hô đồng lý dược lan”
(Mùa hè lại pha trà mời khách uống
Cơn mưa xong gọi trẻ sửa chậu lan)
– Thượng tướng quân Trần Quang Khải (*)
Hay như:
“Hà thời tiểu ẩn lâm tuyền hạ
Nhất tháp tùng phong trà nhất bôi”
(Sao bằng ở ẩn bên rừng suối
Một giường bên cửa gió thông với trà)
– Huyền Quang Tôn Giả (*)
Thủ thư Cú Mèo
Thư viện iBookStop
(*) trích từ Trà Kinh
Các bạn có thể mượn đọc Trà Kinh từ thư viện, vui lòng liên hệ 0903.61.31.67 hoặc email ask@ibookstop.vn để biết thêm chi tiết.
Bài viết được tóm lược và đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị số 39, ra ngày 04/6/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét