Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Không kết hôn liệu có chết? - Chiêm Qua

Không kết hôn liệu có chết?” (Chiêm Qua, NXB Hồng Đức, 2013, giá bìa 92.000 đồng) là tác phẩm tâm lý xã hội phù hợp với độc giả nữ từ 28 - 35 tuổi vì không phải là chuyện tình lãng mạn, kịch tính mà chỉ đơn thuần là câu chuyện xã hội của ba cô gái trẻ trung, thành đạt và từng trải qua biến cố, thăng trầm trong tình yêu.

Không bi kịch, không lụy tình, ướt át và không tô hồng tình yêu hay tính cách kiểu mẫu hoàn hảo như trong các tiểu thuyết tình yêu khác. Tác phẩm bao gồm những mảnh ghép cuộc đời không chỉ của ba cô gái nhân vật chính trong truyện mà còn của những nhân vật phụ khác ở vai trò người mẹ, người con, đồng nghiệp, người yêu cũ...

Câu chuyện “mẹ chồng nàng dâu”

Trong các nước Á Đông, có thể nói Trung Quốc là đất nước mang nặng tư tưởng phụ hệ, trọng nam khinh nữ, dù các thành phố, thủ đô lớn hiện nay đã có tư tưởng cởi mở, phóng khoáng nhưng ở các thị trấn, làng quê nhà nào có con gái thì xem như đã thất bại vì “nữ sanh ngoại tộc”, “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Cũng chính bởi tư tưởng này mà qua tác phẩm, tôi có thể nhìn thấy hai hệ lụy của nó:

*Một là, sự đùm bọc, coi trọng con trai của gia đình, nhất là của những bà mẹ đến mức khi đã trở thành người đàn ông thì người con trai này mất đi sự tự lập, quyết đoán và chính kiến của mình. Đó là lúc anh ta chẳng còn biết đâu là lẽ đúng sai và việc cần làm của một nam nhi “đầu đội trời, chân đạp đất”. Có thể bao biện rằng đó là vì sự hiếu thuận với bậc sinh thành nhưng sống bất nghĩa, bất trung thì sau cùng anh ta cũng tự mình trói mình vào thế giới cô độc và thất bại. Chưa kịp thành đại nhân thì anh ta đã trở thành tiểu nhân sống dưới mộng tưởng về quyền đàn ông mà cha mẹ anh không ngừng nhồi nhét, giáo huấn ngay từ nhỏ.

*Hai là, sự nhẫn nhục, chịu đựng sự bất công trong sự đối xử giữa gia đình chồng và nàng dâu đã không làm những nàng dâu trong cuộc nhìn thấu sự việc – người có thể thay đổi sự tàn bạo này chính là các cô. Nếu chỉ vì năm xưa khi về nhà chồng làm dâu phải cam chịu bất bình đẳng và đến đời sau khi con trai mình có vợ, các cô lại lấy cách đối đãi năm xưa áp lên những nàng dâu mới này thì cái vòng tuần hoàn ấy mãi lặp lại. Sau cùng những thân phận phụ nữ ở xó bếp thì mãi ở xó bếp.

Những cô gái hiện đại

Hiện đại không chỉ gắn với cái mác biết cách sống hưởng thụ, ăn mặc hợp thời mà còn là sự thấu hiểu sự việc và con người hợp tình hợp lý, không đặt nặng cái tôi và nhu cầu cá nhân lên trước nhưng đồng thời biết lắng nghe điều tâm khảm mong cầu.

Tiểu Mỹ - cô gái thuộc cung Ma Kết, tài sắc song toàn với vẻ ngoài lạnh lùng nhưng nổi bật trên hết chính là sự điềm đạm, triết lý sâu sắc. Là cô gái đa mưu và thông minh nhất trong nhóm nhưng Tiểu Mỹ không lạm đụng điều đó để tư lợi cho cá nhân mà cô dùng trí của mình đối nhân và dùng tình để thu phục nhân. 

Đứng ở ngã ba đường hoặc là an phận lấy chồng làm dâu vì trót mang tiếng ăn ở với đàn ông nhiều năm, hoặc là từ bỏ chẳng màn sự dèm pha của mọi người thì cô đã chọn cách từ bỏ. Điều đáng kể chính là ngày cô dứt áo ra đi cũng là lúc Du Tử và gia đình anh nhục nhã nhận ra cái cương dùng để thu phục cô chẳng qua chỉ là “cọng lông gà” của tiểu nhân và quên mất họ đang sống trong xã hội hiện đại, tư tưởng đã phóng khoáng hơn.

Đường Đường – cô gái thuộc cung Cự Giải, là cô gái thời thượng, hoạt bát nhưng chứa đựng trái tim mong manh, nhạy cảm, bởi điều đó mà cô là một trong ba cô gái có chuyện tình bi thương nhất và cũng vì mối tình này mà cô mất đi thiên chức làm mẹ, mang trong mình nỗi mặc cảm này và tránh xa các mối quan hệ nam nữ. Tuy nhiên, ở cô vẫn luôn toát lên vẻ lạc quan và bao dung, luôn vì bạn mà xông pha và sau cùng là một kết thúc có hậu cho cô.

Văn Văn – cô gái thuộc cung Sư Tử, văn võ song toàn, phóng khoáng tự nhiên nhưng lại vướng vào gã đàn ông tự xem mình là “cái rốn của vũ trụ” dù là bản chất gã không phải là đàn ông xấu. 

Khởi đầu câu truyện là sự dàn xếp của gia đình hai bên đốc thúc đôi trẻ sớm tiến đến hôn nhân trong khi trước đó một tiếng cô và anh đã chính thức chia tay. Vì cả nể và vì chữ tình chữ nghĩa, Văn Văn đã phải miễn cưỡng chấp nhận kết hôn với Lý Cường. Chính trong quá trình chuẩn bị cưới này, cô và anh dần nhận ra mấu chốt làm mối quan hệ họ trở nên bất hòa là vì sự thiếu hòa hợp tính cách trái ngược của mỗi người. Dù Văn Văn là cô gái đến từ võ môn nhưng cô vẫn là con gái với những mong muốn có được sự lãng mạn, ngọt ngào, quan tâm sâu sắc đến từ bạn trai. Trong khi Lý Cường vẻ ngoài tháo vát, biết quan tâm nhưng anh luôn bộc trực trong lời nói, che giấu suy nghĩ thật trong đầu vì anh sợ người ta sẽ vì đó mà tự phụ, coi thường anh, và cũng phần vì anh tự xem mình là trung tâm vũ trụ. Chính vì vậy, anh và cô luôn khắc khẩu, chẳng ai nhường ai.

Tình yêu

Trong tác phẩm này, tình yêu được nhắc đến không phải là một tình yêu màu hồng, tiếng sét ái tình mà là một tình yêu với trái tim độ lượng, bao dung hơn khi một trong hai đối phương thôi nghĩ về bản thân và hãy biết quý trọng những gì mình đang có. 

Dù rằng tình yêu Tiểu Mỹ và Du Tử không thành nhưng tôi nhận thấy trong đó Tiểu Mỹ đã biết nghĩ cho Du Tử nhưng do Du Tử thiếu chính kiến nên đã đẩy cô ra khỏi cuộc đời anh. Tình yêu của Đường Đường chỉ thực sự đến ở đoạn gần cuối truyện, đó là lúc Bình Tử đón nhận cô không phán xét và ước mong cùng cô hướng về tương lai một cách tích cực hơn, thoát khỏi sự mặc cảm của chính mình. Mặc khác, Quang Tử mặc dù mang tiếng là kẻ phụ tình nhưng trong toàn bộ câu chuyện, anh là người không có quyền lựa chọn và vì bảo vệ Đường Đường và bất kỳ người con gái nào đến với anh nên anh chấp nhận sống như kẻ ẩn dật vì tình hiếu nghĩa với người mẹ mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt. Với tình yêu của Văn Văn và Lý Cường, chỉ đến cuối truyện họ mới nhận ra rằng tuy là bất đồng nhau nhưng tình cảm vẫn còn đó và luôn quan tâm, nghĩ về đối phương, cái thiếu của họ chính là từ bỏ cái tôi và cái cần chính là thời gian.

Tác phẩm lấy bối cảnh xã hội hiện đại những năm 2010 ở Bắc Kinh nhưng người đọc sẽ tìm thấy đâu đó dư tàn của xã hội phong kiến cũ vẫn còn đó. Điều quan trọng trên hết, người đọc cũng sẽ tìm thấy sự đấu tranh đến cùng của những cô gái trẻ với khát khao được sống bình đẳng, quyền tự do mưu cầu cuộc sống cá nhân không áp đặt; của những bà mẹ đã từng có quá khứ khổ đau, ám ảnh với mong muốn thay đổi cục diện, xóa bỏ sự bất bình đẳng và trở thành những phụ mẫu hiện đại vun vén hạnh phúc vợ chồng con cái mình.

Sau cùng, Không Kết Hôn Liệu Có Chết là một tác phẩm đáng để đọc để không chỉ hiểu về tình yêu mà còn là tinh thần sống lạc quan dù trong mọi hoàn cảnh, cũng như hiểu thêm về con người, xã hội Trung Hoa thời nay.

Cú Mèo
Thư viện iBookStop.vn
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi chia sẻ. Cảm ơn! :)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét