Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Đàn Bà Xấu Thì Không Có Quà - Y Ban

Dư vị đọng lại sau khi đọc tác phẩm là cảm giác mộng mị pha lẫn chua xót cho những khiếm khuyết của cuộc sống. Một tác phẩm với một cốt truyện xuyên suốt nhưng pha lẫn trong đó là ba câu chuyện khác nhau; một là về sự tật nguyền, một là về sự sống và một là về tình yêu hư ảo. Ba câu chuyện được viết thông qua nhân vật chính của câu chuyện và tất cả đều xuất phát từ tâm hồn cô độc, đau đáu một nỗi khao khát có được cuộc sống bình thường.

Nàng Nấm là tên nhân vật chính của câu chuyện, nàng có khuôn mặt trái xoan dễ nhìn với làn da trắng nõn nà, chỉ mỗi điều nàng sinh ra với dị tật là đôi chân ngắn hơn nửa thân người. Người đời vốn nhìn nàng với sự thương hại và chưa có ai đến với nàng bằng chân thành, không phân biệt giữa điều bình thường và bất bình thường. Tuy nhiên, nàng không oán trách và chấp nhận với hiện thực đó, nàng vẫn sinh tồn và khắc khoải chờ mong một người đàn ông sẽ đến với nàng và sẽ cùng nhau xây dựng tổ ấm mà hàng đêm nàng sẽ đọc truyện cổ tích cho những đứa trẻ và truyện tình lãng mạn cho người đàn ông đời nàng. Thế nhưng, nó mãi là giấc mơ xa vời và không bao giờ xảy đến! Người ta có thể cùng nhau quyên góp hiện vật, hiện kim cho người dị tật nhưng người ta không thể quyên góp tình thương, đón nhận họ như cách họ đón nhận một người bình thường.

Trong những cơn đau đầu nửa đêm, nàng đã viết ba câu chuyện và những câu chuyện đó đã đưa nàng đến với nghề văn, trở thành nhà văn trẻ ở tuổi hai mươi tám. Câu truyện đầu tiên đã thay đổi cuộc đời nàng là “Chú Ngoẹo” và cũng chính là câu chuyện để lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Tật nguyền, thiểu năng bẩm sinh không phải là cái tội và người làm mẹ hơn bao giờ hết luôn đón nhận khiếm khuyết của đứa con mình sinh ra một cách bao dung và mạnh mẽ.

Đàn Bà Xấu Thì Không Có Quà (Y Ban, NXB Văn Học, 2014, giá bìa 40.000 đồng) đã khai thác và tiến sâu vào tâm tư của những con người khiếm khuyết bẩm sinh và cả của những bậc sinh thành khi chẳng may đứa con mình sinh ra lại mang trên mình khuyết tật. Đỉnh điểm của tác phẩm nằm ở hai đoạn:

*Đoạn chú Ngoẹo ra đi thanh thản trong một buổi chiều khi cùng người mẹ già ăn bữa cơm chiều và sau khi chú lại lên cơn yêu thương với mẹ “u ơi, con yêu u lắm!”. Người mẹ tiếp đó không lâu cũng đã thanh thản ra đi “…Thôi con yên phận rồi, giờ đến lượt mẹ đây. Mẹ mệt mỏi quá rồi, muốn nghỉ ngơi nhưng phải sống vì con đó thôi” ở tuổi ngoài 90. Chưa có sự hi sinh lớn lao nào hơn tình mẹ cả.

*Đoạn Nấm đã khóc thương thân, thương xót chỉ một chút xíu nữa thôi, người đàn ông nửa vòng trái đất đã về đây tìm Nấm nhưng rồi đã quay lưng bước đi sau khi gặp nàng, đã trở thành người đàn ông hoàn hảo, trọn vẹn trong trái tim Nấm. Tuy nhiên, Nấm đã không trách anh bởi dĩ anh cũng là một người bình thường chứ không phải ông Bụt.

Khiếm khuyết về cơ thể không bằng khiếm khuyết về tâm hồn và cũng không bằng sự nông cạn không nhận ra nét đẹp nguyên khôi ở những con người khiếm khuyết về cơ thể. Có lẽ đó là điều mà tác giả thông qua tác phẩm này để gửi gắm đến người đọc.

Đàn Bà Xấu Thì Không Có Quà được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2004 và 10 năm sau lại được xuất bản nhưng vẫn chạm đến những độc giả ngày nay một cảm xúc thiện tâm, thức tỉnh những con người bình thường và sự tái bản lần này lại rơi vào dịch Nick Vujicic đến Việt Nam lần 2 cỗ vũ tinh thần người khuyết tật. Điều cần nhất giờ đây không chỉ khuyến khích họ sống tích cực lạc quan mà còn cả với người lành lặn phải có sự cởi mở, đón nhận họ một cách bình đẳng chứ không phải bằng sự thương hại.

Tác giả Y Ban là nhà văn sinh ra và lớn lên tại Nam Định, vì vậy mà bạn sẽ tìm thấy giọng văn thấm đậm chất Bắc qua tác phẩm này và đời sống, sinh hoạt của thôn quê miền Bắc.

Cú Mèo
iBookStop.vn
(Vui lòng trích dẫn nguồn khi chia sẻ. Xin cám ơn!)

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Bên Lề Sách Cũ - Vương Hồng Sển

Ở mặt sau của quyển Bên Lề Sách Cũ (NXB Tổng Hợp, 2013, giá bìa 125.000 đồng), cụ Vương Hồng Sển đã viết như vầy:

“Có câu ví “Hãy cho bền chí câu cua, Dầu ai câu chạch câu rùa mặc ai!”. Và nghề “câu cua” của tôi là thu mót từ tập sách, cuốn sách bày bán bên lề, và “câu cua” cũng là lối viết bên lề tờ sách.

… Đọc sách cho nhiều nhưng đọc rồi quên hết thì bổ ích vào đâu và bổ ích cho ai? Sách dạy khôn, đọc lắm cũng nhàm. Biết mà không trao lại người khác thì cái hiểu biết kia chẳng hóa ra vô dụng? Vậy xin ghi thêm mấy hàng nầy. Là của riêng thâu lượm bấy lâu nay, cũng thuộc loại bên lề sách cũ.”

Cụ đã chọn cách viết như thế để giới thiệu một cách gọn gàng, thẳng thắn về quyển Bên lề sách cũ của cụ, vốn có thể xem là quyển sách tổng hợp những tài liệu xưa cũ về một đất Nam kỳ Lục tỉnh và những câu chuyện xoay quanh miền sông nước này.

Tác phẩm có tất cả 6 chương trong đó chỉ riêng chương 1 đã chiếm hết 1/3 quyển sách mà cụ dành riêng gọi là Nguyên văn trích lục và hơn ¼ quyển sách là phần cụ tổng luận dựa trên những tài liệu cụ thu thập được. Cái hay của Bên lề sách cũ là tính lịch sử của nó mà bạn đọc nào đang có những công trình nghiên cứu về sử học, văn hóa có thể tham khảo vì trong đó là những ghi chép có được từ những tài liệu xưa như “Petit cours de géographie de la Basse – Cochinchine” (Trương Vĩnh Ký), “Excursions et Reconnaissances” (tập san Pháp – 1880), “Tiểu địa dư” (Trương Vĩnh Ký), “Gia Định thành thông chí” (dịch giả: Trịnh Hoài Đức), “Đại Nam nhất thống chí (Lục tỉnh Nam Việt)” (dịch giả: Nguyễn Tạo)… 

Ngoài ra, cụ Vương Hồng Sển đã rất chi tiết ghi chú lại trên những tài liệu cụ có được với những tham khảo chéo mà độc giả qua đây thấy được sự dàn trải mênh mông của kiến thức. Chỉ mỗi riêng “lá buôn” và “lá buông”, mà cụ nhất mực phải trích lục tìm hiểu ngọn căn sau cùng thì đây là do cách viết hay là tên của hai loại lá cây khác nhau. Khi có được lời đáp, cụ cũng ghi rõ không bỏ xót tất cả những gì liên quan đến “lá buôn” và “lá buông”.

Thông qua đây, các bạn đã đủ hình dung về giá trị nội dung quyển sách chưa? Riêng tôi, có khi phải ghi từng chút một vào tờ giấy để khi đi đâu, đến đâu, thấy tên gọi hay câu chuyện nghe quen quen, lật ra xem lại thì may ra mới ngấm được những gì cụ viết trong đây. Dù sao thì đây là quyển sách chỉ phù hợp với độc giả là nghiên cứu sinh hay thực sự bạn đang tìm hiểu về Nam kỳ Lục tỉnh cũng như những câu chuyện lịch sử xung quanh. 

À, bạn có nghĩ rằng Gia Định là tên gọi trước đây của Sài Gòn? Thật ra thì không phải vậy. Sài Gòn là tên gọi trước đây của Tân Bình phủ, và Tân Bình phủ là một trong bốn phủ của Gia Định tỉnh. Bốn phủ đó là Tân Bình phủ, Hòa Thạnh phủ, Tân An phủ, Tây Ninh phủ. Theo đó, Gia Định là một trong Lục tỉnh Nam kỳ trước đây. Bạn có thể tìm đọc để biết thêm qua Bên Lề Sách Cũ - Vương Hồng Sển.

Cú Mèo
iBookStop.vn
(Vui lòng trích dẫn nguồn khi chia sẻ. Xin cám ơn!)

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của Sơn Nam - Võ Văn Thành

Trước khi đọc tác phẩm, tôi luôn tin rằng người miền Nam là những con người mộc mạc, đơn giản và chất phác như bản chất cố hữu của những con người ở miền sông nước. Và một lần nữa, niềm tin ấy lại được củng cố hơn hết sau khi đọc tác phẩm “Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của SơnNam” (Võ Văn Thành, NXB Trẻ, 2013, giá bìa 60.000 đồng).

Tác phẩm là công trình nghiên cứu của Thạc sĩ Võ Văn Thành, tổng hợp từ 60 tác phẩm, tài liệu của nhà văn Sơn Nam cũng như các bài viết, tác phẩm, tư liệu của các tác giả khác nhau viết về nhà văn Sơn Nam, chia làm ba phần:
  • Phần 1: Viết về nhà văn Sơn Nam, thân thế và cuộc đời của ông
  • Phần 2: Văn hóa vật thể qua cái nhìn của Sơn Nam
  • Phần 3: Văn hóa phi vật thể qua cái nhìn của Sơn Nam
Vốn sinh ra và lớn lên từ miền sông nước, tất cả như ăn sâu bám rễ trong ông – nhà văn Sơn Nam. Cảm tưởng như chẳng điều gì có thể lọt khỏi tầm mắt của ông, ngay cả hơi thở. Nó như là mạch đập, toàn bộ cuộc sống của ông và nếu tách rời ông khỏi miền Nam thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ chẳng có nhà văn Sơn Nam với những tác phẩm phôi thai từ miền sông nước này.

Điều mà tác giả Võ Văn Thành nhận thấy và nhấn mạnh trong tác phẩm của ông là văn hóa miền Nam mang ảnh hưởng thời kỳ khẩn hoang của 400 năm trước khi bộ phận đông đảo người Việt di cư vào đây sinh sống. Cũng bởi sự ảnh hưởng của điều này mà người miền Nam luôn coi trọng cuộc sống mà họ có được ví dụ như bất kỳ đâu nơi họ đến đều là vùng đất linh thiêng và luôn coi trọng những gì thiên nhiên ban tặng cũng như học cách thích nghi với cuộc sống mới thay vì cải tạo và đổi mới. Chính điều đó đã làm nên những con người miền Nam mang một nét rất riêng không lẫn vào đâu trên mọi phương diện cuộc sống như:

** Trong ẩm thực, không cầu kỳ nhưng cũng không quá xuề xòa. Nếu như bữa cơm chuẩn của người Việt là cơm – rau – cá – thịt thì người miền Nam lại đổi thành cơm – canh – rau – tôm – cá vốn là những gì thiên nhiên ban tặng. Nhất là rau như dẫn chứng điều Sơn Nam đã viết “hễ gặp loại lá, đọt non nào ăn không chết là cứ ăn”. Đến cả mười hai con giáp, nếu con rồng là sinh vật có thật thì hẳn họ cũng ăn luôn. Chưa kể, họ không câu nệ trong việc ăn uống nên chỉ cần mắm hay cá khô nướng với cơm trắng hay rau rừng tiện tay hái khi thả xuồng trôi trên kênh rạch thì cũng gọi là xong bữa.

** Trong cách ứng xử, người miền Nam có lối ứng xử nước đôi nghĩa là họ săn cọp, bắt sấu nhưng không truy cùng đuổi tận mà chỉ dọa như nhắc nhở ranh giới giữa người và vật, một mặt giết cọp nhưng mặt khác lại lập miếu thờ ông cọp, một mặt họ giết sấu nhưng họ không giết hết mà giết một thả một vì bản tính không sát sinh, sống vì âm đức; họ tin rằng con còn lại sẽ quy phục, hướng thiện không phá làng xóm nữa như nhà Phật đã dạy. Tuy nhiên, trong ứng xử với người, có một điều rất chắc nịt rằng họ không thích sự giả dối và nếu phát hiện thì họ chẳng còn qua lại nữa; họ coi trọng việc sống có âm đức nghĩa là sống hướng thiện, không làm điều ác, hại người hại vật.

** Trong văn hóa cư trú, hình ảnh rất đặc trưng đó là những ngôi nhà trên bè bởi do cấu tạo của vùng đất này là sự chằn chịt rạch ngòi và sông nước nhưng nếu sau vài năm sinh sống, làm ăn khá giả thì họ sẵn sàng bỏ tiền xây nhà định cư lâu dài. Mặt khác, họ cũng là những người có phong cách sống thích ứng nhanh nên dễ dàng hòa hợp, chan hòa với hàng xóm là những người Khmer.

** Một điểm đặc trưng nữa là cũng bởi chính lối sống thời kỳ khẩn hoang đã di truyền tính ưa thích phiêu lưu của người miền Nam, họ dễ dàng di chuyển đây đó để mưu sinh và vì thế trong bộ ba dân tộc sinh sống lâu đời ở đây, dường như ít có sự xung đột lợi ích kinh tế với nhau. Nếu như người Khmer ưa thích sự ổn định, ít thay đổi, sản xuất tại chỗ thì người Nam ưa thích đi lại như một lái buôn trong khi chợ là nơi giao thương của hầu hết người Hoa.

Dù văn hóa Nam Bộ chỉ mới hình thành từ những năm thế kỷ 16 nhưng qua nhà văn Sơn Nam, chúng ta đã thấy được có một miền Nam mộc mạc và chất phát không lẫn vào đâu và qua tác phẩm “Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của Sơn Nam”, chúng ta lại một lần nữa có một cái nhìn tổng quan, bao quát hơn về miền sông nước này. Đến cả tâm hồn thi sĩ cũng chất chứa sự mộc mạc, giản đơn ấy. Mượn lời bài hát Điệu buồn Phương Nam để kết bài.

Về phương Nam lắng nghe cung đàn,
Thổn thức vọng dưới trăng mơ màng,
Rồi theo sông Cửu Long nhớ nhung dâng tràn,
Chợt thương con sáo bay xa bầy,
Sương khói buồn để lại lòng ai….”

Cú Mèo
iBookStop.vn
(Vui lòng trích dẫn nguồn khi chia sẻ. Xin cám ơn!)

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Điểm sách tháng 05/2014

Tháng 5 hạ về…

Phượng nở đỏ rực…

Tiếng ve kêu râm ran…

… và trong tháng 5 này có một ngày gọi là Ngày Hiền Mẫu hay còn gọi là Ngày của mẹ. Mặc dù, Ngày của mẹ có nguồn gốc từ West Virginia, Hoa Kỳ nhưng cùng với internet, tinh thần Ngày của mẹ đã lan tỏa rộng rãi và đến Việt Nam trong những năm gần đây.

Trong tháng 5 này, các thủ thư cú mèo ưu tiên những quyển sách về mẹ và những người phụ nữ sắp và đang làm mẹ:


Xuyên suốt cuốn sách là những bức tranh được vẽ theo phong cách dễ thương, hài hước đôi lúc lại tự trào xoay quanh nhân vật chính là người mẹ đáng yêu, hay xúc động nhưng rất yêu con. Mở đầu cuốn sách hình ảnh người mẹ hiện ra là người “chỉ thích rong chơi” và “chưa từng nghĩ đến việc chăm sóc một em bé”. Thậm chí khi biết tin có bầu, cảm giác đầu tiên của người mẹ trẻ này là “tiêu rồi”. Thế nhưng những điều kỳ diệu mà thiên thần mang tên “đứa trẻ” mang đến đã thay đổi hoàn toàn những suy nghĩ của người phụ nữ ham chơi và vô lo vô nghĩ này. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ gặp trong cuốn sách một ông bố điềm đạm, hai ông bà nội ngoại luôn chăm lo từng chút một cho cháu, những người họ hàng và đồng nghiệp vui tính…

Với những ai chưa làm mẹ hay sắp làm mẹ, Nhật ký của mẹ sẽ một phần nào giúp bạn giải tỏa sự căng thẳng về việc mang thai và cảm thấy mang thai là điều trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết – một món quà tặng của tạo hóa ban cho người phụ nữ.

Đưa con trở lại Thiên Đường – Lê Thị Phương Nga
Một quyển tự truyện của một người mẹ đã quyết tâm giành lại đứa con bị bệnh tự kỷ “đánh cắp”. Cũng như bao người mẹ khác, khi biết được mình sẽ làm mẹ của một thiên thần nhỏ thì điều đầu tiên người mẹ cầu mong là có sự khởi đầu “mẹ tròn con vuông” và thiên thần ấy sẽ lớn dần lên một cách khỏe mạnh, thông minh.

Nếu may mắn, điều mong muốn đã đến như mong đợi thì đó là điều tuyệt vời nhất của không chỉ người mẹ mà còn của người cha.

Nếu chẳng may, phải, nếu chẳng may bạn rơi vào tình huống của mẹ Lê Thị Phương Nga, bạn sẽ làm gì? Tình yêu của bạn có đủ lớn và kiên trì để biến đổi nghịch cảnh thành hạnh phúc, giúp con bạn vượt qua tất cả? Hãy lắng nghe câu chuyện của Phương Nga.

What to expect when you’re expecting - Heidi Murkoff, Arlene Eisenberg, Sandee Hathaway, B.S.N
Nếu bạn có vốn tiếng Anh kha khá hay trong gia đình bạn có ai đó có thể “nhờ vả” được thì đây là quyển sách thai giáo trọn vẹn và đầy đủ nhất được viết dưới sự cố vấn của các bác sĩ và chuyên gia y tế của trường Đại học New York (the State University of New York) và Đại học Y dược Syracuse. Cho đến thời điểm hiện tại, quyển sách đã được tái bản lần 3 với tổng cộng 12 triệu bản được bán ra.

Quyển sách trình bày một cách khoa học từ giai đoạn chuẩn bị đến khi bé được sinh ra, những vấn đề cần lưu tâm hay những tình huống không tránh khỏi khi mang thai và sau cùng là cho sự hạ sinh lần sau. Nếu là lần đầu làm mẹ thì đây là quyển sách tham khảo có giá trị hữu ích thực sự cho bạn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể đọc quyển Hành trình mang thai trước để có một hình dung trong đầu trước khi đọc chuyên sâu What to expect when you’re expecting.

Trong phần tiếp theo, các thủ thư cú mèo điểm lại những đầu sách và giới thiệu đến các bạn cho những ngày hạ về của tháng 5 (xem tiếp tại website Thư viện)

Thư viện iBookStop

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Ngày Mai - Gullaume Musso

Vậy là những trang cuối của Ngày Mai (Gullaume Musso, NXB Hội Nhà Văn, 2014, giá bìa 105.000 đồng) đã khép lại, rời xa những ngày giá lạnh, ướt át của tuyết mùa Giáng Sinh ở Boston và New York rồi trở lại với cái nóng oi nồng của những ngày đầu tháng 5. Dư âm đọng lại là sự giá lạnh của một vẻ đẹp hoàn mỹ đã dám vượt qua ngưỡng giới hạn lý trí vì tình yêu. 

Nếu chỉ tách riêng từng nhân vật một, tôi có thể nói rằng:

- Matthew, ngay từ những trang đầu, hình ảnh về anh gần như là mẫu người đàn ông lý tưởng. Anh là một người đàn ông gương mặt trẻ trung, mái tóc cắt ngắn và hàng ria lún phún mang một vẻ quyến rũ khôn cường cùng với tài hùng biện. Những tưởng Matthew sẽ làm một công việc nào đó phù hợp với vẻ bề ngoài của anh như luật sư, công tố viên thì công việc của anh lại là giảng viên môn Triết học. Nhưng sự đối lập đó vẫn chưa đủ nói lên rằng anh là mẫu người chồng chung tình của tất cả các cô gái cho đến khi anh bắt đầu email qua lại với Emma Lovestein. Bằng trò đùa tạo hóa, anh đã tin rằng chỉ có Emma mới có thể giúp vợ anh sống lại, những ngày tháng sống vật vờ, u ám và trống vắng sẽ thôi đeo bám anh từ ngày Kate - vợ anh ra đi. Những ngày thấy ấy thật tàn khốc đối với anh khi chỉ cần một việc không đâu cũng đủ để nó bất ngờ túm được anh, phát cuồng và đánh thức ký ức, có khi chỉ là mùi nước hoa, áo khoác ngoài hay một ca khúc trên đài.

Chỉ đến những nửa quyển sau, độc giả lại nhận ra rằng Matthew cũng chỉ là một người đàn ông bình thường, mù quáng khi anh gặp Kate. Vì Kate anh đã từ bỏ người vợ "đầu ấp tay gối" 4 năm để đi theo tiếng gọi tình yêu sét đánh và sau đó, anh có khi sẽ phải đánh đổi tính mạng mình để trả giá cho sự phản bội này. Và cũng rất bình thường khi Matthew bằng mọi cách kể cả việc bắt cóc chú chó già Clovis của Emma buộc cô phải thực hiện yêu cầu của anh - ngăn chặn vụ tai nản xảy ra đã cướp đi người vợ yêu quý của anh.

Trong xuyên suốt quyển truyện, Matthew gần như là nhân vật khơi màu vì anh mà Emma đã dấn thân vào cuộc điều tra không đâu vào đâu, có khi vô tình vì anh mà cô gặp hiểm nguy. Sau cùng, Matthew đã quên mất việc anh đã từng có khoảng thời gian khốn cùng vì mất vợ, việc anh đã có những email qua lại một cách lạ lùng với Emma - cô nàng của quá khứ rồi đến việc anh gặp cô thực sự ngoài đời.

- Emma, ngay từ những trang đầu, độc giả sẽ cảm thấy xót thương cho cô gái có tâm hồn mong manh, dễ xáo động và buộc phải tìm đến bác sĩ đồng hành trong cả năm trời để có thể ổn định tâm lý, cân bằng trạng thái cảm xúc vốn là tàn dư của người đàn ông tham lam, đã có vợ nhưng muốn trói buộc người tình với mình. Emma không phải là cô gái mạnh mẽ nhưng cô có một ý chí kiên cường và dám nhìn vào sự thật. Có những lúc nó khiến cô mệt mỏi đến mức muốn buông xuôi và ngừng cuộc sống. Điều Emma mong muốn như bao cô gái khác, có một mái ấm gia đình, có một người chồng hết mực yêu thương và cùng nhau chăm sóc những đứa trẻ. Khi biết đến Matthew, Emma đã từng hi vọng rằng anh sẽ là người kéo cô ra khỏi bờ vực của sầu đau, làm lại cuộc đời nhưng cô đã phải xót xa ở vai trò kẻ đến sau khi nhận ra tình yêu mãnh liệt của anh dành cho người vợ quá cố không ngừng âm ỉ qua từng ngày.

Thật ra, Emma có quyền lựa chọn làm hay không làm theo điều Matthew mong muốn. Tuy nhiên, vì nỗi khao khát được yêu thương và phần cũng vì tò mò mà Emma đã tìm đến gia đình Matthew của năm 2010 chỉ để muốn biết người phụ nữ đã khiến trái tim Matthew say đắm và chung tình như thế nào. Cả chính Emma cũng thừa nhận rằng ở người phụ nữ đó đã toát lên vẻ đẹp hớp hồn và hơn nữa, người phụ nữ ấy tài giỏi, thông minh xuất chúng và nắm giữ vị trí trưởng khoa tim ở một bệnh viện uy tín ở Boston. Chính vì nỗi tò mò ấy đã dẫn cô vào vụ việc không mong đợi và cô cũng thấy chua xót cho Matthew khi biết được sự thật đằng sau người phụ nữ hoàn mỹ ấy.

- Kate, nhân vật Kate chỉ thực sự được viết đến nhiều ở chương 19 - Nữ thần Pê ru bất tử, chính tại đó đã nảy mầm tình yêu bất diệt đối với Hoàng tử Đen và vì tình yêu đó, Kate đã lựa chọn cái ác để sống trọn đời cùng hoàng tử đời mình, mặc cho sự thủy chung sâu sắc của Matthew dành cho cô. Xuất thân từ một gia đình danh giá và tưởng chừng tan biến vào hư không khi phải một mình bươn chải sống qua ngày, dường như phải từ bỏ theo người mẹ quá cố thì Nick đã xuất hiện. Sự xuất hiện đó đã mang theo sức sống mới cho cô gái mới lớn tuổi đôi mươi, được theo đuổi ước mơ của mình. Trong tình yêu của Kate với Hoàng tử Đen nó còn mang cả sự hàm ơn mà anh đã trao tặng cô, chính sự chịu ơn cùng tình yêu mãnh liệt của tuổi trẻ đã làm cô trở nên kiên cường và mù quáng hơn bao giờ hết khi dám lấy việc đổi mạng sống của chồng mình để cứu lấy vị ân nhân của mình.

Ở Kate toát lên vẻ lạnh giá và giả dối hoàn hảo đến chính người đọc như tôi cũng đã có khi nghĩ rằng Kate không đáng phải là nhân vật được nhắc đến khi nhân vật này đã chết trong vụ tai nạn và ước gì có thể như Kate khi có được người chồng chung tình như Matthew. Đến khi  mọi sự được vỡ lẽ thì chỉ còn lại cảm giác đông cứng cho một dã tâm trong một thân xác hoàn mỹ.

Hẳn khi đặt tên tác phẩm là Ngày mai, Guillaume Musso cũng như đang gửi gắm đến người đọc thông điệp dù hôm nay cuộc sống của bạn có tồi tệ thì bạn đều có riêng lựa chọn cho mình đó là tiếp tục sống theo cách của mình, từ bỏ hay chiến đấu tới cùng bởi chính bạn là người thay đổi cục diện trong tương lai. Đừng "giá như" mà hãy là "tôi không bao giờ thấy hối tiếc về lựa chọn đó".

Cú Mèo
iBookStop.vn
(Vui lòng trích dẫn nguồn khi chia sẻ. Xin cám ơn!)