Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

Góc nhìn từ sự mất dần những tiệm cho thuê sách truyện

Tác giả hình: Bảo Vinh - HueS.vn
1. Trong một bài viết mà tôi đọc cách đây hơn một năm tựa đề Sách & Tôi của tác giả Phạm Điệp Giang có đoạn xin được trích dẫn như sau: "Xưa nay, những dân tộc được trân trọng là những dân tộc gìn giữ được Sách từ đời này sang đời khác. Có sách là có văn minh. Tôn trọng Sách là tôn trọng Quyền con người. Không có ngôn ngữ xấu hay ngôn ngữ đẹp. Chỉ có những ngôn ngữ bình đẳng – chỉ có những từ bình đẳng – cho dù để diễn tả bất cứ một nội dung nào."

2. Theo thống kê tại Nhật Bản trong năm vừa qua, số lượng sách và tạp chí phát hành tại đất nước này vẫn gia tăng một cách đều đặn trong 10 năm gần đây, với tốc độ đáng mơ ước tại nhiều quốc gia là trên 7% mỗi năm. Đối với phần đông người dân Nhật Bản, việc đọc sách đã trở thành một thói quen đã ăn sâu bén rễ mà họ sẽ không dễ dàng từ bỏ. Họ luôn tận dụng mọi thời gian rảnh rỗi để mà đọc sách, trong lúc chờ, trên tàu điện… Đọc là một trạng thái lao động và vận động sự tư duy. Điều đó một phần nào cho thấy sự phát triển không ngừng ở đất nước mặt trời mọc này xuất phát điểm từ những con người đọc.

3. Tôi vẫn thường nghe câu cửa miệng của bạn trẻ ngày nay là “cần gì thì lên mạng tải về” và chưa bao giờ việc tải sách điện tử (ebook) lại dễ dàng hơn bao giờ thế. Nói là thế nhưng nhìn nhận ở góc độ người nước ngoài khi đến Việt Nam lần đầu tiên, một cách tinh ý họ đã có thể nhận ra “ở đất nước các bạn, hầu như không ai đọc sách” – một anh bạn người Hà Lan đã bảo tôi như thế. Tải về rồi thì có hay không sự đọc?

4. Cái thời của tôi, cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, việc sở hữu một quyển sách đã là tốn kém lắm rồi nên ít đứa nào được cha mẹ cho tiền mua sách, phần lớn đều là mượn hoặc thuê lại từ các tiệm cho thuê sách truyện. Ở khu phố nơi tôi ở, cứ vào mùa hè lứa khách nhí luôn túc trực ở các tiệm sách và dường như chưa bao giờ là đủ để thỏa mãn sự đói sách của chúng tôi.

5. Ngày nay, ở một thành phố bị nhiều xáo trộn đến từ sự phát triển kinh tế và công nghệ như Sài Gòn này từ những ngày đầu khi áp dụng chính sách mở cửa trở lại vào những năm thập niên 90 cùng với sự bành trướng của những tiệm thức ăn nhanh, trung tâm thương mại, giải trí, rạp chiếu phim thì việc những hiệu sách đang dần thu hẹp, đặc biệt là những tiệm cho thuê sách đang dần biến mất là chuyện khó tránh khỏi. Các nước phát triển cũng đã phải trải qua điều tương tự vậy nhưng lại đến từ yếu tố chính trị và tôn giáo khi sách bị coi như là một thứ bệnh dịch hạch cần phải loại bỏ ra khỏi một xã hội hơn là từ yếu tố chủ quan con người.

6. Sự biến mất của các hiệu sách là hiện tượng tất yếu trong xu thế nhưng là bất thường trong một xã hội cho dù nó được thay thế bằng phương tiện khác trong nhịp sống hiện đại này. Vốn dĩ phương tiện không thể thay thế giá trị điều mà cụ thể trong phạm vi bài viết này là những quyển sách mang lại. Những quyển sách truyền tay thay vì những ấn bản điện tử chia sẻ nhau qua hộp thư điện tử hoặc kênh điện tử nào đó. Truyền tay là sự tiếp xúc thật ngoài đời, người với người nhưng ấn bản điện tử chỉ thuộc về thế giới ảo.

7. Câu hỏi đặt ra lần cuối cùng bạn ghé tiệm thuê sách truyện hay hiệu sách là khi nào? Bao lâu trong một tháng chúng ta đến đó? Trước khi chúng ta kịp nhận ra điều đó, bắt đầu là những tiệm cho thuê sách đang dần mất đi. Bạn có nhận thấy điều đó không?

Thư Lê 

(Vui lòng trích dẫn nguồn khi chia sẻ, xin cám ơn)

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Xấu (Grotesque)

Xấu là tác phẩm dịch lại từ nguyên bản Grotesque của nhà văn nữ Nhật Bản Natsuo Kirino (sinh năm 1951), phát hành bởi Nhã Nam vào tháng 7 năm 2013, giá bìa 110.000 đồng.

Bìa sách của Xấu khi xuất bản tại Việt Nam khá mờ nhạt giữa rừng sách nhưng ấn tượng và tôi nghĩ nó rất phù hợp với câu chuyện của Xấu. Xám xịt và đầy những vết cắt, như cách mà mỗi số phận nhân vật trong truyện trót mang.

Tôi không nghĩ đây là tiểu thuyết trinh thám như cách Nhã Nam phân loại và tôi cũng không đồng tình với cách nhận định rằng “cái Đẹp có thể chứa đựng sự Xấu to lớn đến mức nào” ở trang cuối bìa sách bởi vì bạn sẽ tìm thấy điều hiển nhiên rằng ngoài nhân vật Yuriko được miêu tả là người duy nhất sở hữu cái đẹp thì còn lại hầu như chỉ là sở hữu nét đẹp bình thường, do vậy nếu nói theo cách này thì vô hình chung chỉ mỗi Yuriko là đang chứa đựng cái xấu lớn nhất (tôi thì không nghĩ như vậy). Dẫu sao thì mỗi người sẽ có một cách nhận định khi đọc tác phẩm này. Riêng tôi, tôi cho rằng mang sự đối lập giữa Đẹp – Xấu để nổi bật lên góc độ đối lập của hai sự thể trái ngược trong cùng một thực thể thì không hẳn là ý hay, vốn dĩ Natsuo Kirino không nhằm vào điều đó. Ngay từ đầu và nhất quán xuyên suốt tác phẩm, tất cả đều là sự trải nghiệm về cái xấu một cách trọn vẹn, hoàn hảo đến mức khi ý niệm về cái đẹp trong cái bản chất bị nhơ nhuốc, ảnh hưởng bởi cái xấu lại như hạt ngọc, như khi bạn bắt gặp nó nơi cuối con đường.

Xấu là một trải nghiệm hoàn toàn khác trong thể loại văn chương và so với số đông các tác phẩm văn học tôi từng đọc. Khi những dòng cuối kéo theo sự khép lại trang sách, hoàn toàn là sự trống rỗng và không thể nói thành lời. Không phải vì buồn quá, u ám quá hay nặng nề quá hay sự bỏ ngõ đến day dứt theo cách mà phần lớn tác phẩm văn học Nhật Bản thường hay làm vậy mà chính là “tôi là ai giữa thế giới này?”, thậm chí là nghi ngờ về sự tồn tại của bản thân giữa cuộc đời này, giữa xã hội này và cả giá trị của bản thân.
Nguồn: Internet
Yuriko – một nhân vật đại diện cho “mặc cảm Lolita” – sắc đẹp hoàn hảo đến ma quái và theo cách gọi của chị gái mình đó là sắc đẹp liêu trai, quỷ ám và khi trưởng thành, nó đã tự động biến mất, rời bỏ cô và trả lại con người thật của nó như một bã mía, tuy nhiên, quá muộn màng để bắt đầu trở lại. Sắc đẹp của Yuriko là một bất hạnh, là một cái “nghiệp” vì nó không mang lại cho cô cuộc sống vốn dĩ cô nên có, nên được đối xử một cách bình đẳng như những đứa trẻ khác, thậm chí là sự xa lánh, hắt hủi ngay chính từ gia đình cô. Sắc đẹp ấy đã quyết định số phận cô ngay từ khi lọt lòng. Sắc đẹp ấy đã lần lượt tra vào cổ những gã đàn ông trưởng thành những cái tội danh “loạn luân”, bất chấp luân lý, đạo đức con người và đạo đức xã hội, thậm chí tội giết người. Người khác nhìn vào nghĩ rằng cô là người hạnh phúc với một sắc đẹp trời phú ban tặng và nhiêu đó là đủ, cô không cần cố gắng gì thêm nữa. Song, sự thật là bản thân cô là một cuộc tranh đấu để tồn tại, để được thừa nhận cô đang sống nhưng ngày một cô lạc lối trong dòng chảy cuộc đời đến mức cô chỉ có thể cảm giác là cô đang sống khi cô được làm tình. Cô ghét đàn ông nhưng cô thích làm tình. Chỉ khi được làm tình, cô cảm nhận được sự sống đang diễn ra. Vậy cô tồn tại vì điều gì?

Katsuo – một nhân vật có một niềm tin kiên định và mù quáng đến mức rằng chỉ cần cố gắng, chỉ cần bản thân không bỏ cuộc thì sẽ được tất thậm chí từ học vị, địa vị đến sắc đẹp và bản chất đàn bà. Cô không sai. Cô đã chứng minh được điều đó nhưng điều chua sót sau cùng chính là tồn tại hay không tồn tại, cách nhau một nếp nghĩ. Cô chưa bao giờ buông bỏ điều gì, càng cố gắng chứng minh càng đau đớn nhận ra cô không là gì giữa xã hội này, giữa cuộc sống này, cô chỉ là một linh hồn bị bán rẻ. Sự quay lưng của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và đến cả những gã đàn ông mua vui khi đêm xuống cũng chẳng buồn đoái hoài đến cô. Tất cả đều bỏ chạy khi thấy cô như thấy một con quỷ. Một số thương hại, một số kinh tởm. Vậy cô đang sống vì cái gì?

Mitsuru – một nhân vật cân bằng giữa Yuriko và Katsuo, liệu khi ở thế cân bằng, trung tính, con người ta sẽ hạnh phúc hơn? Câu trả lời vẫn là không. Sống có mục tiêu, hiểu rõ bản thân nhưng Misturu vẫn lạc lối trên dòng đời khi cô nhận ra cô không có mục đích sống. Sống và tồn tại dường như luôn có khoảng cách. Thì ra tìm kiếm mục đích sống lại là điều khó khăn hơn những gì cô tưởng. Để khi nhận ra thì cô đã phải đánh đổi thời gian của mình, mất tất cả nhưng rồi lại tìm được tất cả khi mục đích sống dần dần định hình ở tuổi trung niên.

Chị gái Yuriko – một nhân vật không tên, là người kể chuyện, dẫn dắt câu chuyện, đối thoại với độc giả và là nhân vật đại diện cho cái tôi của bất kỳ ai. Ngay từ đầu, nhân vật này cũng đã xác lập ngay tính cách về sự tự ti và ít bao dung, chất chứa trong cô là sự thù ghét, ưa sự cô độc cũng như cô chọn cách sống ở thế phòng thủ. Những ai vô tình phạm phải ranh giới mà cô vẽ ra thì cô sẽ loại trừ không thương tiếc. Tuy nhiên, càng gần đến cuối, cô lại càng bắt buộc phải đối mặt với chính con người cô, nghiệt ngã thay khi cô thoát khỏi thể giới cô độc, thù hằn ấy cô lại dấn thân vào vết xe đổ của em gái cô và cô bạn Katsuo. Liệu sự thay đổi vào phút cuối khi nhận ra chân nguyên bản thân mình chưa bao giờ là quá muộn cho bất kỳ ai?

Cái vòng lẩn quẩn cho một kiếp người và vị thần Jizo dẫu thế nào cũng không thể cứu rỗi những linh hồn lạc lối ấy. Xuất phát điểm sự lệch lạc ấy từ đâu? Gia đình, xã hội, giáo dục hay thượng đế?

421 trang – 4 nhân vật chính – hơn 10 số phận riêng lẻ đan xen nhau như một xã hội thu nhỏ được gom vào một tác phẩm, đa dạng nhưng kết nối cũng như sự tác động qua lại tô vẽ nên một bức tranh hiện thực xã hội tư bản Nhật Bản - đầy những vết cắt.

Còn rất nhiều điều mà tôi vẫn chưa thể nào viết ra hết tại đây, nhưng nếu có thể nói hết tại đây thì bạn chắc sẽ không đọc Xấu, mà nếu như vậy vô tình tôi đã làm bạn bỏ lỡ một tác phẩm hay, đầy tính nhân văn trên nền tảng khoa học tâm lý và nghiên cứu xã hội.
 
Thư Lê
 
Các bạn có thể tìm mua tại các nhà sách hoặc mượn đọc từ Thư viện iBookStop

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Những gam màu giữa Sài Gòn

(Sài Gòn Tiếp Thị - 16/3/2015) Trong lời ngỏ, tác giả Phạm Công Luận đã chia sẻ rằng: “Chẳng ai thực sự biết hết mọi điều về thành phố mình đang sống cho dù ở đó cả đời. Điều đó thật dễ hiểu”. Đặc biệt, với Sài Gòn có tuổi đời tuy chỉ mới hơn 300 năm và với một kẻ sinh sau đẻ muộn ở những năm cuối thể kỷ 20 thì Sài Gòn là một điều gì đó nửa gần nửa xa.

Gần là vì chỉ cần thức giấc bình minh, ngũ quan đều cảm nhận được nhịp sống, hơi thở của Sài Gòn và vẫn còn đó những con đường xưa cũ, những chợ, những gánh hàng rong, những địa danh gắn liền tên tuổi, lịch sử. Xa là khi chạm đến những trang sách, những câu chuyện kể lại từ các nhân chứng sống mà tác giả Phạm Công Luận đã gom góp thành quyển Sài Gòn chuyện đời của phố II (tác giả Phạm Công Luận, Nhà xuất bản Văn hóa-Văn nghệ TPHCM phát hành tháng 2-2015) bỗng thấy chưa bao giờ mình biết hết, hiểu hết về nơi sinh ra và lớn lên này.

Màu tím

Đó là sắc màu tím than biểu thị cho sự hoài niệm về những điều đã qua trong bốn thập niên (1950-1980). Một Sài Gòn được kể lại từ những ký ức của thế hệ trước. Một Sài Gòn đã nuôi dưỡng và thắp sáng những tài năng đến từ mọi vùng đất nước tựu về đây, cũng như những người con cháu ngay tại mảnh đất này từ những ngày đầu khẩn hoang; đồng thời là nơi tiễn chân người đi với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như câu chuyện nữ kịch sĩ Kiều Hạnh, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Trung Cang, kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng, nghệ sĩ Năm Châu…

Màu xanh lá

Trong câu chuyện Về Bà Chiểu, rảo hàng bàng, thời gian được lùi lại vào những năm đầu thế kỷ 20 khi Sài Gòn chỉ là mảnh đất nhà cửa còn thưa thớt, vẫn những ruộng đồng xanh mướt với những cây bàng, cây sanh… xanh rợp đường đi hay như rạch Nhiêu Lộc mặt nước xanh trong đến mức “có thể nhìn thấy đồng xu chìm xuống chỗ nước cạn” trong Nhiêu Lộc, dòng rạch dòng đời”.

Màu xám trắng

Màu của ánh xà cừ được cẩn trên tủ thờ, tràng kỷ, sập gụ, tủ chè, cặp liễn đối, cái khay… mà đối với người Sài Gòn ngày trước, họ xem như gia bảo và chỉ xuất hiện trong những gia đình giàu có, trung lưu. Ngày nay, chúng ta vẫn còn thi thoảng thấy những đồ cẩn xà cừ này nhưng cũng không còn quý trọng như trước khi xu hướng hiện đại đã khác đi. Những bức hình chia sẻ lại trong câu chuyện Đồ Cẩn Xà Cừ như một sự nhắc lại về những món đồ đã từng là biểu tượng của sự sung túc và nếp gia phong trong các gia đình người Sài Gòn ngày trước.

Màu xanh dương

Màu xanh dương không thể hiện rõ ràng, cụ thể trong Sài Gòn chuyện đời của phố nhưng người đọc có thể cảm nhận được màu xanh qua niềm tin và hy vọng mà những câu chuyện trong quyển sách mang lại. Những câu chuyện đã nhắc lại rằng, chúng ta đã từng có những thành tựu do chính chúng ta tạo nên, chúng ta đã từng xây dựng thành công siêu thị đầu tiên cho người Việt vào năm 1967, chúng ta có Nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam là nhà xuất bản nhạc đầu tiên của Việt Nam có tên trong danh mục các nhà xuất bản quốc tế “World Wide Trade Category”, một đồ án quy mô vẫn còn dở dang của chợ Bến Thành… Điều đó có nghĩa, chúng ta đã từng làm được thì tất yếu chúng ta lại sẽ tiếp tục làm được.

Sài Gòn vẫn đang sản sinh những người tài, lớp trẻ tài năng kế thừa những đặc tính, tinh hoa và giá trị của đời trước và sau đó lại sẽ tiếp nối xây dựng những thành tựu mới. Một điều chắc chắn là Sài Gòn sẽ luôn tiếp tục đổi mới và phát triển cùng với xu thế chung của các nước trong khu vực và thế giới. Bức tranh màu sắc qua những câu chuyện từ Sài Gòn chuyện đời của phố II không chỉ là sự hoài niệm của những con người ngày hôm qua mà còn là sự kể lại cho những người con ngày hôm nay. Đọc để nhìn thấy và chúng ta biết rằng, đã có một Sài Gòn như thế, hãy luôn tin yêu, gìn giữ bản thể tốt đẹp vốn có của Sài Gòn!
Thư Lê

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

THƠ – Hình Thức Tối Cao của TỰ DO

• Chủ nghĩa Tiền phong và Hậu Hiện đại nông nổi hiện nay cũng là biểu hiện của sự thiếu tự do.
• Ruồng bỏ, hay thờ ơ với thơ là một biểu hiện của sự căm ghét tự do. Ai loại bỏ thơ khỏi đời sống của mình, người đó sẽ làm hại chính mình.
• Nếu thơ không có mặt trong sách giáo khoa, thì đó là sự suy bại của con người.
Vladimir Mikusevich (sinh năm 1936) là một dịch giả rất nổi tiếng của Nga. Những bản dịch Petrarch, Chrétien de Troyes, Rilke, Novalis và bản dịch Ezra Pound gần đây của ông đã trở thành kinh điển. Sau “cải tổ” độc giả Nga mới được biết đến các tác phẩm nghệ thuật cũng như triết học của ông. Chúng đã gây được tiếng vang lớn. Dưới đây chúng tôi xin dịch cuộc trả lời phỏng vấn của ông cho báo Độc lập (Nga).
P/V: Thưa ông, trước hết ông coi mình là một dịch giả, nhà thơ, nhà triết học hay nhà văn?
V. Mikusevich: Chị biết không, tôi đồng thời là ngần ấy “nhà”. Nhưng tôi cho rằng, trong tất cả những cái tên chị đã gọi ra thì tôi là nhà thơ. Mặc dù ở phương Tây từ “poet” không còn được dùng như ta vốn thấy nữa, mà người ta dùng từ “liric”, và như vậy có thể nói, trong tất cả các lĩnh vực ấy tôi là “liric”. Song mặt khác, tôi cho rằng, cả văn xuôi cũng là thơ. Không chỉ văn của tôi đâu, mà văn xuôi nghệ thuật nói chung – đó là thơ. Thêm nữa, triết học của tôi hoà quyện với thơ đến độ khó có thể tách bạch cái này với cái kia. Nói chung, đó là truyền thống triết học Nga. Còn về dịch, nếu không là thơ thì dịch là gì nhỉ?
P/V: Ông bắt đầu dịch trước hay làm thơ trước?
V. Mikusevich: Từ bé tôi đã tự học ngoại ngữ và biết đọc tiếng Đức từ rất sớm. Và tôi bắt đầu dịch đồng thời với làm thơ. Tôi dịch bất kể tác phẩm nào có được. Đối với tôi, dịch và thơ đan bện chặt chẽ với nhau. Với tôi dịch là đọc. Những bản dịch thơ như thế tôi làm bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi biến chúng thành những bài thơ cho mình. Tôi có cảm tưởng là độc giả nào cũng làm như thế. Với tôi, dịch là đọc tiếp những bài thơ yêu thích.
P/V: Ông được biết đến, được in ở phương Tây. Vậy vì lẽ gì ông không ra đi?
V. Mikusevich: Với tôi, rời bỏ nước Nga là điều không thể. Thơ tôi gắn bó rất mật thiết với phong cảnh nơi đây. Cái này khai triển cho cái kia. Không chỉ thơ tôi khai triển cho phong cảnh này, mà phong cảnh này cũng khai triển cho thơ tôi.
P/V: Ông đưa vào Busenhes (tuyển tập thơ của V. Mikusevich) những bài thơ nào?
V. Mikusevich: Các bài thơ trong tuyển tập này thống nhất bởi một chủ đề chung là busenhes. Busenhes là hạt mưa bụi hay một nụ tuyết nhỏ. Mỗi bài thơ ở đây là một busenhes như thế.
P/V: Ai trong số những nhà thơ mà ông đã dịch gần gũi nhất với ông về mặt tinh thần?
V. Mikusevich: Tất nhiên toàn bộ thơ tôi “đồng khí tương cầu” với thơ Rilke. Cuộc gặp gỡ Rilke đối với tôi thật tuyệt vời. Nó đến từ rất sớm. Với Pasternac – Rilke là ngữ điệu. Với tôi – Rilke là “ông mối” giữa sự sống và sự chết. Thời gian gần đây, Ezra Pound cuốn hút tôi. Nói chung, tôi luôn thích những nhà thơ bị truy bức trong cuộc sống. Cùng với Rilke, tôi muốn kể thêm tên một nhà thơ yêu thích nữa của tôi – đó là Gottfried Benn, người bị kết tội hợp tác với chủ nghĩa Nazi và suốt nhiều năm dài không được in, nhưng vẫn viết đều. Tôi rất mê thơ trữ tình của ông. Trong tác phẩm của tôi, có thể thấy cuộc đối thoại thường xuyên với Benn, và nếu tôi ít dịch ông, thì chỉ vì tôi muốn giữ thơ ông trong nguyên bản cho riêng mình. Song về cơ bản, thơ tôi có nền tảng Nga. Các nhà thơ mà tôi dịch không có ảnh hưởng văn học trực tiếp vào tôi. Tôi e rằng, đúng hơn là chất Nga đã ảnh hưởng đến các bản dịch của tôi.
P/V: Trong văn học Nga truyền thống, ai là người thân thiết với ông?
V. Mikusevich: Bunhin và Kliuev. Ngoài ra thơ Nga cổ, thời tiền Lomonoxov có ý nghĩa rất trọng đại với tôi, tranh thánh (Icon) và sáng tác của các cha xứ trong Giáo hội nữa. Và điều chính yếu là thánh lễ Chính thống giáo, vẻ đẹp của nó. Các sứ thần Nga ở Constantinople, như chúng ta đã biết, đã tiếp nhận Chính thống giáo vì vẻ đẹp của nó. Tôi cũng là một trong các sứ thần này.
P/V: Ông đánh giá như thế nào về tình hình vặn học Nga hiện nay?
V. Mikusevich: Tôi cho rằng, vặn học Nga hiện đang mắc căn bệnh thiếu tự do, mà tồi tệ hơn là nó diễn ra không phải do ngoại cảnh. Người ta luôn có gì đó tự trói buộc mình. Và cái mà họ tự trói buộc mình rất giống với các điều cấm kỵ trước đây. Những người lớn lên trong môi trường cấm kỵ ấy không thể hình dung nổi công việc của mình khi nó không còn nữa. Thêm nữa, cái chủ nghĩa Tiền phong và Hậu hiện đại nông nổi hiện nay cũng là biểu hiện của sự thiếu tự do. Đó là mong muốn thách thức các điều cấm kỵ, mà một khi đưa ra lời thách thức với chúng, tức là chúng có thực.
P/V: Theo ông nhà thơ nên có thái độ như thế nào với chính trị?
V. Mikusevich: Nhà thơ có phản ứng với tất thảy mọi thứ. Và ở ý nghĩa này, anh ta không mắc nợ một ai cả. Sẽ là tốt đẹp, nếu anh ta viết được những bài thơ hay. Thơ, nói chung, là hình thức tối cao của tự do mà con người có thể tự cho phép mình. Thơ dẫu sao đi nữa vẫn xác định cuộc sống, ngay cả khi người ta không đọc nó. Thơ có cái năng lực thần diệu của mình. Ruồng bỏ thơ hay thờ ơ với nó – đó là một biểu hiện căm ghét tự do. Một người loại bỏ thơ ra khỏi đời sống của mình sẽ làm hại chính bản thân mình. Anh ta sẽ phải trả giá cho hành động này bằng trí nhớ tồi tệ, sớm già yếu đi. Các nhà thơ, nếu không bị giết hại, trường thọ lắm. Việc thơ không được đưa vào sách giá khoa hiện nay sẽ dẫn tới sự suy bại của con người về nhiều nghĩa. Thậm chí đến hiện tượng bệnh lý như chứng liệt dục. Bởi chính thơ gắn liền với bản năng yêu trong con người.
P/V: Ông có chia sẻ với ý kiến rằng, nhà thơ ở Nga còn hơn cả nhà thơ?
V. Mikusevich: Tôi nhất quyết không đồng ý với câu nói này. Có thể tôi không hiểu ý nghĩa của nó. Nhưng theo tôi, không gì hơn được nhà thơ, bởi vì, trong truyền thống cổ xưa Đức Chúa Trời được gọi là nhà thơ đấy.
P/V: Theo ông, xã hội nên xử sự như thế nào khi nhà thơ có ý kiến trái chiều với nó?
V. Mikusevich: Xã hội nên để cho nhà thơ khả năng được là nhà thơ. Dân chủ vì điều này, và dân chủ phải cho phép nhà thơ được có và nói lên tiếng nói của mình.
Ngọc Phương Trang dịch.