Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Hardboiled, Hard Luck - Banana Yoshimoto

English, please take a read at the bottom.

Hardboiled, Hard Luck (Banana Yoshimoto, Faber and Faber Limited, 2005) là một quyển sách giúp người đọc chạm đến nỗi buồn một cách tinh tế nhất. Nhất là khi bạn đọc tác phẩm này cùng giai điệu du dương sâu lắng của Moonlight Sonate 14 bản số 2, bạn sẽ cảm nhận sâu sắc dáng hình của nỗi buồn, ranh giới giữa thực và ảo, giữa mộng mị và đời thường. Điểm lạ lùng là ở chỗ bạn sẽ không bật khóc hay tuôn rơi nước mắt khi đã nhận ra bạn đã ở tâm điểm của nỗi buồn. Cái hay của Banana Yoshimoto là bà đã dẫn dắt người đọc đến từng ngóc ngách của cảm xúc, góc khuất của tâm hồn để những cảm xúc này nhẹ nhàng tỏa ra vây quanh bạn.

Hardboiled, Hard Luck là hai truyện ngắn riêng biệt. 

Hardboiled là hành trình trở về ký ức nơi nhân vật nữ chính đã rời bỏ để kỷ niệm ngày mất của người con gái mà cô không thể gọi tên cho mối quan hệ của họ. Tình bạn ư? Còn hơn thế nữa khi Chizuru – người con gái ấy luôn thầm lặng bên cạnh, chăm sóc và yêu thương cô như số mệnh đã an bài. Chizuru cũng chưa từng có ý định quen bất kỳ ai khác dù có bị quay lưng bởi nhân vật nữ chính. Còn nếu là tình yêu? Nhân vật nữ chính cũng không dám chắc cô có thật sự yêu thương Chizuru không hay chỉ xem Chizuru là cái phao trong lúc cô mất phương hướng giữa cuộc đời rối ren của cô. Hành trình này đã đưa cô vào một thế giới mộng mị, hư hư ảo ảo và trong thế giới ấy, cô lại tìm thấy Chizuru với một tấm lòng bao dung đã xoa dịu cô, thức tỉnh cô trở về đời thực.

Hard Luck lại là một câu chuyện khác. Đó vẫn là hành trình trở về ký ức của người chị gái với cô em gái Kuni, đã rơi vào tình trạng não chết và gia đình cô đã phải chấp nhận lời đề nghị bác sĩ để giải thoát đời sống thực vật của cô. Song hành cùng cô trải qua những khó khăn này là Sakai, là người anh của vị hôn phu Kuni và là người đã luôn đến bệnh viện không chỉ là cùng gia đình cô chăm sóc Kuni mà là vì tình cảm của anh dành cho người chị. Tình huống ấy đúng như tên truyện – Hard Luck – được ai đó yêu thương, quan tâm, săn sóc là điều hạnh phúc nhưng lại là một sự trớ trêu khi tình yêu ấy đến không phải lúc. Kuni luôn xuất hiện nguyên vẹn trong hơi thở, không gian, cảm xúc của cả hai tựa hồ như một sợi dây vô hình kết nối hai người lại với nhau. Tất cả những gì họ cần là thời gian.

Đây là quyển sách chỉ dành cho những trái tim đa cảm cũng như thích bước chậm qua những lời văn và từ đó mới có thể cảm nhận sâu sắc những cung bậc cảm xúc và ý nghĩ mà Banana Yoshimoto đã viết nên. Ngoài ra, có một tác phẩm khác của nữ tác giả này đã được dịch sang tiếng Việt, phát hành ở Việt Nam năm 2006 với tựa sách là Kitchen.

Các bạn có thể tìm mua tại các nhà sách hoặc mượn đọc từ Thư viện iBookStop. Mọi chi tiết vui lòng truy cập www.iBookStop.vn

Cú Mèo
Thư viện iBookStop
(Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi chia sẻ. Cám ơn!)

*****

Hardboiled, Hard Luck (Banana Yoshimoto, Faber and Faber Limited, 2005) is the book drive reader’s feeling to touch the sorrow subtly the most. Especially, you were reading this novel while melody of the Moonlight Sonate 14 No. 2 was lilting; you would profoundly feel in the shape of sadness, the boundaries between fact and fiction, between dreams and real life. The weird thing was that you cannot burst out crying or shedding tears when you was in the middle of melancholy. The beauty of Banana Yoshimoto was in her way to lead the readers to every corner of emotion, every hidden corner of the soul to let this gentle feelings pervade you.

Hardboiled, Hard Luck consisted of two separated stories.

Hardboiled was the journey back to memories, when the female narrator had left, on the occassion of her "undefinited relationship" - girlfriend’s death anniversary. Friendship? Even more than that when Chizuru - the girl was always quite beside her, cared about and loved her as of her fate. Chizuru also never intended to love anyone else even though she was turned away by the female narrator. What if love? Female narrator was not sure whether she really loved Chizuru; or just thought that Chizuru was a buoy when she lost her sense of direction in her messive life. This journey took her into the dreamy world, unreal and in that world, she found Chizuru who relieved her with a big heart, awoke her to return the real life. 

Hard Luck was another story. It was also the journey back to memories of a narrator whose sister Kuni was lying in a hospital bed with her die brain, and her family hardly accepted the doctor’s suggestion to rescue her from vegetable life. During this tough time, Sakai, the brother of Kuni’s fiancé, always went to the hospital not only help her family take care of Kuni but also because of his affection for her. The situation was made sense as the name of tittle - Hard Luck – being loved, concerned, cared by someone was the happiness, however the irony was that love came at the wrong moment. Kuni was always appeared in the whole in breath, space, both their emotions seemed to be an invisible string connecting them together. All they need was just the time.

This is a book for someone who have got the sentimental heart as well as love to walk slowly through the sentences and then deeply feel every emotional level and thoughts that Banana Yoshimoto wrote. In addition, there are another book that was translated in Vietnamese and published in 2006 under the title of Kitchen.

 You can buy this book at bookstores or borrow from iBookStop Library. For more information, please visit: www.iBookStop.vn

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Chân Dài Miên Man - Kao Nguyên

Chân Dài Miên Man (Kao Nguyên, NXB Văn học, 2013) là tác phẩm phù hợp cho mọi lứa tuổi và theo tôi, đối tượng đọc phù hợp nhất là các bạn trẻ từ 18 – 25 tuổi cũng như các bậc phụ huynh. Tác phẩm không phải là câu chuyện diễm tình, câu khách bằng những chi tiết gợi tình hay giáo điều mà nhẹ nhàng bóc tách dần những mảng tối, những góc khuất, những bí mật của chốn đô thành qua thế giới nội tâm của nhân vật nữ chính cũng như nỗi lòng của người làm cha mẹ.

Chân Dài Miên Man là câu chuyện hồi ức bi thương của cô thôn nữ trẻ trót mang số phận nàng Kiều bởi do giấc mơ hàng đêm mà cô thường mơ về là trở thành một ngôi sao tỏa sáng trong làng showbiz, được sống như một công chúa bà hoàng với những phục sức lấp lánh trong những biệt thự xa hoa. Cô đã may mắn khi được sinh ra, tạo hóa đã ban cô cho một một nhan sắc mặn mà, da trắng hồng và đôi chân dài miên man, nổi bật hơn tất cả thảy các cô gái trong làng. Cô không cam chịu cuộc sống nơi làng quê và trước sự thúc bách của gia đình về việc cưới hỏi, cô đã bỏ trốn và để lại sự ngơ ngác của một chàng trai chung tình. Bắt đầu từ đây cuộc đời cô đã nổi trôi khi thì bước vào đỉnh cao của sự sung túc, hạnh phúc mà cô có được từ anh chàng nổi tiếng là đại gia của đại gia và cho đến khi rơi vào tột cùng của sự bế tắc, lạc loài, không nơi nương tựa, đến cả việc quay về với gia đình cô cũng không dám. Không chỉ là câu chuyện của cuộc đời cô mà còn là sự phơi bày mặt trái dem dúa của xã hội.

Chân Dài Miên Man được viết bởi Kao Nguyên – là biên kịch đạo diễn, diễn viên điện ảnh thuộc thế hệ 7X ở Hà Nội. Cốt truyện đọc qua có thể với bạn không đặc sắc nhưng lại là tác phẩm mang đầy tính nhân văn và bạn sẽ bị cuốn theo câu chuyện bởi được viết theo ngôn ngữ điện ảnh, có thắt nút và mở nút, như một thước phim đang chiếu trong đầu bạn. Hơn hết, tác phẩm như là một sự cảnh tỉnh dành cho những ai luôn bị vẻ hào nhoáng của thế giới showbiz cám dỗ, nhất là những cô gái trẻ may mắn sở hữu một vẻ ngoài hơn người cũng như vai trò của bậc làm cha mẹ trong việc lắng nghe, thấu hiểu và định hướng tương lai con mình. Dẫu rằng, tác phẩm kết thúc có hậu theo đúng mẫu tiểu thuyết văn học nhưng thực tế ngoài đời tôi nghĩ rằng có thể sẽ phũ hơn rất nhiều.

Qua Chân Dài Miên Man, độc giả sẽ tìm thấy:
  •  Thực sự thì là một người sở hữu chân dài, nhan sắc nổi bật thì việc để sống với đời sống bình thường nơi mình sinh ra, với một người bình thường và với những ước mơ giản dị còn khó hơn là để trở thành người nổi tiếng;
  • Tình yêu chân chính không phải là những lời hứa trót lưỡi đầu môi mà là hành động xả thân vì người mình yêu;
  • Sự cám dỗ về vật chất luôn chực chờ kéo chúng ta vào cõi âm u cũng như đồng tiền luôn dắt mũi cuộc sống xa hoa nhưng hạnh phúc không thuộc về nơi đó;
  • Tình bạn thực sự là “cái vả” vào mặt những sự thật khó nghe nhưng luôn ở đó để kéo bạn ra khỏi vũng lầy;
  • Giữa giông tố cuộc đời thì gia đình vẫn là nơi vẫn luôn mở rộng cửa đón ta về;
  • Sự cố chấp, ích kỷ và cái tôi luôn là rào cản ngăn chia những ai trong một gia đình với nhau;

Tôi tin rằng bạn sẽ tìm thấy nhiều điều hơn nữa sau khi đọc tác phẩm này.

Các bạn có thể tìm mua tại các nhà sách hoặc mượn đọc từ Thư viện iBookStop

Cú Mèo

(Vui lòng trích dẫn nguồn khi chia sẻ. Cám ơn!)

Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Văn Học & Cái Ác

Văn học và Cái Ác (Le Littérature et de mal) là tên của một quyển sách xuất bản lần đầu vào năm 1957 tại Pháp được viết bởi một học giả nổi tiếng với các tác phẩm nghiên cứu văn học, nhân loại học, triết học, kinh tế, lịch sử nghệ thuật và xã hội học – Georges Batalille (1897 – 1962) và sau đó được dịch sang tiếng Việt phát hành năm 2013 (Ngân Xuyên dịch và giới thiệu, NXB Thế Giới, phát hành bởi Sao Bắc Media). Đó là một khoảng cách thời gian khá lớn và vì thế, nó đã trở thành một tác phẩm khó đọc phần vì các tác phẩm Georges Batalille đề cập được viết cùng thời với ông như Đồi gió hú (Emily Bronte), Cuộc hôn phối Thiên đàng và Địa ngục, Bộ tứ Zoa, Milton, Jerusalem (William Blake), 120 ngày, Justine (Sade), Bản án, Bức tường Trung Hoa (Franz Kafka)… Ngoại trừ Đồi gió hú thì những tác phẩm còn lại chưa có bản dịch tiếng Việt và phần vì Georges Batalille vốn được xem là một con người kỳ quặc, có những tư duy suy nghĩ rất khác với số đông trong giới viết lách vào thời bấy giờ, bởi điều đó đã làm những câu cú, cách viết của ông không dễ tiếp thu, thường là một loạt tỉnh lược để biểu thị sự bế tắc của cách diễn đạt mà ông tin rằng nó đã vượt ngưỡng tồn tại ở ngoài từ ngữ.

Trong bài viết này, tôi không viết về Văn học và Cái ác của Georges Batalille mà chỉ lấy cảm hứng từ tựa đề của tác phẩm này để viết về văn học và cái ác trong văn học hiện đại. Như một mặc định, sứ mệnh của văn học là hướng thiện, dù có những tác phẩm đẩy xuống tột cùng của nỗi đau, chết chóc hay thống khổ thì sau đó và trong đó luôn chứa đựng thông điệp tốt đẹp. Khi nghĩ đến cái ác, chúng ta nghĩ đến những việc làm, hành vi gây tổn hại lợi ích đối phương, người khác nhằm thỏa mãn nhu cầu lợi ích của bản thân.

1. Tác phẩm Sau nửa đêm (Huỳnh Thanh Xuân dịch, NXB CAND, 2007) của Haruki Murakami tuy ít được nhắc đến trong số những tác phẩm của ông nhưng lại là tác phẩm mô tả trọn vẹn sự ám ảnh tư bản của Nhật Bản trong ông. Chỉ có thông qua tác phẩm, cảm giác trống rỗng về linh hồn của những con người và những tác động tiêu cực của tâm lý như được giải tỏa. Điều đó phản ánh một giai đoạn “khó ở” ở Nhật Bản, sức ép của cuộc sống tư bản hiện đại đã tạo vách ngăn giữa con người với nhau và sự chịu đựng đã đến ngưỡng cần phải thét lên. Và, Haruki Murakami đã chọn viết nó ra như một sự giải phóng tinh thần.

Ông đã mô tả chi tiết cách kẻ sát nhân đã cảm thấy thỏa mãn như thế nào khi lưỡi dao rạch một cách từ từ trên cơ thể con người, cái cách mãn nguyện khi nhìn thấy dòng máu từ từ tuôn chảy trong sự gào thét vô vọng của nạn nhân. Sự đủng đỉnh với những lý giải của tên sát nhân về việc hắn bắt buộc phải ra tay luôn là sự bao biện, dung túng tâm hồn cô độc khao khát được nghe thấy sự tồn tại của hắn trên cõi đời này.

2. Tác phẩm thứ hai là Mùi Hương (Lê Chu Cầu dịch, NXB Văn học, 2007, giá bìa 50.000 đồng) của Patrick Süskind và có vẻ như đây là tác phẩm thành công duy nhất để đời của ông vì sau đó ông không còn viết những tác phẩm lớn nào khác. Tất cả những gì viết về ông rất ít ỏi nhưng tôi nghĩ Mùi Hương là tất cả những gì nói về ông. Ông đã tạo nên nhân vật Jean-Baptiste Grenouille, được mô tả là người khép kín, cô độc và “bị quỷ ám”. Ông đồng thời cũng khắc họa sự ám ảnh về mùi hương của hắn vì kinh hãi “uế khí” của người thường đã buộc hắn phải sống tránh xa con người, đi tìm một mùi hương tối thượng và đó là lúc hắn nhận ra sự tối thượng ấy cần phải được tạo nên bằng sự chưng cất mùi hương của 25 trinh nữ. Từ một người không có mùi hương đến lúc tạo được một mùi hương tối thượng và sau đó trở thành nạn nhân cũng chính cái mà mình tạo ra nhưng hắn chưa bao giờ hối hận về điều đó.

Dục vọng về mùi hương cũng giống như dục vọng về danh lợi. Danh lợi không phải là cái bẩm sinh và danh lợi sớm muộn gì thì cũng đi vào hư không. Có chăng khi ông viết tác phẩm này cũng là lúc ông trải nghiệm, đủ để thỏa mãn dục vọng trong ông và sau đó ông không muốn đánh đổi nó trong đời thật bằng việc ông đã từ chối tất cả các giải thưởng danh giá dành cho tác phẩm, những buổi gặp gỡ, phỏng vấn với giới truyền thông. Trong triết lý nhà Phật, có lẽ như ông đã nhập niết bàn bằng trí tuệ cái ác của ông.

3Sau cùng, tác phẩm tôi nói đến ở đây chính là loạt sách Hannibal của Thomas Harris. Có tất cả bốn tác phẩm trong series nhưng chỉ có hai tác phẩm được dịch và phát hành tại Việt Nam là Sự im lặng của bầy cừu (Phạm Hồng Anh dịch, NXB Hội nhà văn, 2014, giá bìa 90.000 đồng) và Hannibal (Thu Lê dịch, NXB Hội nhà văn, 2013 giá bìa 108.000 đồng). Thomas Harris đã thành công khi tạo dựng nhân vật nắm giữ hai vai trò – một là bác sĩ tâm thần xuất sắc và một là kẻ ăn và giết người hàng loạt.

Hannibal tận mắt chứng kiến em gái mình đã bị Đức Quốc Xã giết và ăn thịt đồng thời sau đó bản thân hắn cũng trở thành nạn nhân ở một nơi gọi là trại mồ côi. Vết thương tinh thần quá lớn nhưng hắn đủ thông minh để thi vào trường y, trở thành tiến sĩ tâm lý học. Từ đây, những tội ác của hắn gây ra đều không để lại sơ hở và thuận lợi hơn trong vai trò bác sỹ tâm lý. Thomas Harris không bao giờ giải thích nguồn cảm hứng để tạo dựng nên nhân vật Hannibal này nhưng ở vai trò là phóng viên, nhà báo, ông đã từng theo qua và thậm chí tham dự phiên tòa xét xử những vụ giết người hàng loạt năm 1960 và 1992, sự ám ảnh về rối loạn nhân cách của các hung thủ không ít thì nhiều để lại dấu ấn trong ông, cũng như đủ để ông tạo dựng một hình ảnh nhân vật kinh dị xuất sắc.

Chúng ta cũng thấy rất nhiều điều đằng sau câu chuyện của các tác phẩm. Bối cảnh ra đời của tác phẩm cũng như những tác động sâu sắc của xã hội, những ám ảnh day dứt trong tâm tưởng tác gia và đến một thời điểm nào đó nó cần bùng phát. Mặt khác, chúng ta cũng thấy rằng những tội nhân thường cũng chính là nạn nhân hệ lụy, là nạn nhân của gia đình và xã hội.

Như trong các tác phẩm ta thấy, chỉ cần một lần “biến”, các nhân vật đã nổi trôi giữa dòng đời “vạn biến” và bị nhấn chìm trong vòng xoáy cuộc đời. Vậy nên cái ác trong văn học là một sự cảnh tỉnh trước khi chúng ta trở thành nạn nhân của “dòng đời vạn biến”.

Thư Lê


Các bạn có thể mượn đọc những sách trên từ thư viện, vui lòng truy cập website www.ibookstop.vn hoặc email ask@ibookstop.vn hoặc ibookstop.vn@gmail.com để biết thêm chi tiết.


Bài viết được đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn số 23-2014 (1.225), ra ngày 05/6/2014

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Mạn đàm từ trà và đặc tính văn hóa Đại Việt

Nhắc đến trà thì chúng ta nghĩ ngay đến Trung Quốc và nghệ thuật hơn thì có trà đạo Nhật Bản. Có một điều hiển nhiên là dường như mọi người cho rằng Trung Quốc là cái nôi của trà, là nơi khởi nguồn và truyền bá trà ra thế giới; nhưng theo ông Vũ Thế Ngọc, tác giả Trà Kinh (NXB Từ điển Bách Khoa, Thái Hà Books, 2014), cho rằng không có tài liệu viết nào nói cây trà đã xuất hiện ở thời cổ Trung Quốc, không có cây trà trạng thái thiên nhiên trên đất Trung Quốc và sử Trung Quốc cho thấy trà, hay tục uống trà là từ miền Nam đưa lên miền Bắc, nghĩa là trà phải có xuất phát điểm từ phía Nam sông Dương Tử hoặc vùng biên giới Tây Nam.

Và, chúng ta thường nghe đến Trung Quốc với thập đại danh trà như Trà Long Tỉnh, Trà Thiết Quan Âm, Trà Mao Phong, Trà Qua Phiến, Trà Ngân Châm v.v… như một sự khẳng định chắc chắn hơn về xuất xứ trà là từ Trung Quốc nhưng chúng ta lại ít nghe nói đến vùng đất nào ở Trung Quốc trồng trà cả. Bởi có trồng trà thì mới có trà và phải có sự du nhập cộng hưởng với đạo giáo thì trà mới được “phát danh quang đại” trên thế giới, nhưng đáng kể nhất xuất phát điểm chính là từ thời nhà Đường (618 – 907), không chỉ trà mà Phật giáo được truyền bá rộng rãi. Do vậy, chỉ có thể nói từ Trung Quốc mà trà đã trở nên phổ biến trên thế giới thay vì Trung Quốc là cội nguồn của trà. Tương tự vậy, Phật Giáo từng là Quốc giáo của nước Đại Việt và chúng ta vẫn luôn nghĩ rằng từ Trung Quốc mà Phật giáo du nhập và truyền bá ở nước ta nhưng thật sự dân tộc ta đã biết về Phật giáo từ trước khi tôn giáo này trở nên lan tỏa mạnh mẽ.

Nhân câu truyện về trà, tôi lại muốn viết thêm về đặc tính người Việt mình, dù trải qua hàng ngàn năm đô hộ, chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa, truyền thống, lối sống của các nước cai trị thì đặc tính an hòa của dân tộc Việt Nam vẫn không thay đổi, “không bao giờ chấp nhận một quan điểm bảo thủ, giáo điều và độc tôn” (*). Trong khi người Trung Quốc không ngừng ca ngợi về lịch sử hùng tráng và siêu việt đến thế giới qua phim ảnh, nghệ thuật, những truyền tụng về thành tích vượt bậc hơn người như Vạn Lý Trường Thành, cuộc xâm lăng không khoan nhượng của Thành Cát Tư Hãn từ Á sang Âu, sự ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, Khổng Tử đến các nước lân cận hay cụm từ “Chinese tea” (trà Tàu, trà Trung Hoa) trở thành danh từ chung khi nói về trà thì người Việt ta lại ung dung tự tại với những nhàn nhã đời thường, thể hiện một lối sống cao thượng đạo vị. Dẫn chứng như quân Mông Cổ có hung hãn, bạo tàn và bách chiến bách thắng đến đâu nhưng sự thật lịch sử đã bị vị đại tướng quân Trần Quang Khải của nước Đại Việt đánh tan tành. Chúng ta không quá đề cao chiến thắng đó vì sau cùng “việc nhân nghĩa cốt để yên dân”.

Cũng bởi đặc tính an hòa mà hình thành nên văn hóa Đại Việt – một sự kết tụ của Phật – Lão – Khổng và Bách Gia chư tử từ đó mà những người con dân tộc Việt sống rất đạo và chết rất Phật. Mặc dù chịu ảnh hưởng của đạo giáo từ Trung Hoa nhưng chúng ta cũng nhìn nhận rằng người Việt ta không bị trói buộc vào những điều răn dạy của đạo giáo một cách cực đoan, mà chỉ học hỏi từ những điều hay lẽ phải và áp dụng vào cuộc sống.

Từ câu chuyện về trà lan man đến đặc tính người Đại Việt và rồi xin phép được quay về trà, tôi mạn phép kết bài rằng nếu việc thưởng trà của người Trung Hoa, Nhật Bản gắn liền với đạo thì với người Việt, việc thưởng trà cũng như thú vui đời thường “không giáo điều” mà thôi:

“Thử lai yêu khách nghiêu trà uyển
Vũ quá hô đồng lý dược lan”

(Mùa hè lại pha trà mời khách uống
Cơn mưa xong gọi trẻ sửa chậu lan)

– Thượng tướng quân Trần Quang Khải (*)

Hay như:

“Hà thời tiểu ẩn lâm tuyền hạ
Nhất tháp tùng phong trà nhất bôi”

(Sao bằng ở ẩn bên rừng suối
Một giường bên cửa gió thông với trà)

– Huyền Quang Tôn Giả (*)

Thủ thư Cú Mèo
Thư viện iBookStop

(*) trích từ Trà Kinh

Các bạn có thể mượn đọc Trà Kinh từ thư viện, vui lòng liên hệ 0903.61.31.67 hoặc email ask@ibookstop.vn để biết thêm chi tiết.

Bài viết được tóm lược và đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị số 39, ra ngày 04/6/2014
Bài viết này chia sẻ lại từ website Thư viện iBookStop (www.iBookStop.vn).

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Số 666 có ý nghĩa gì?

Hôm nay tình cờ là thứ 6 ngày 6 tháng 6 nên Cú Mèo lan man ngoài lề phạm vi sách và đi tìm hiểu về con số này. Có lẽ phần lớn mọi người đã biết ý nghĩa của 666 là gì rồi, nó là con số của Quỷ Satan hay Dấu của con thú dữ. Kết quả trên Google đã chỉ ra hàng triệu kết quả từ bài viết, tin tức, hình ảnh đến cả video xoay quanh con số 666. Cuối cùng, chọn trang Nhân chứng Giê-hô-va làm tài liệu chia sẻ.

Tại sao là 666?

Theo trang này, câu trả lời nằm trong Kinh Thánh. 666 là số hay tên của con thú dữ có bảy đầu và mười sừng từ dưới biển lên (Khải huyền 13:1, 17, 18). Con thú dữ này tượng trưng cho hệ thống chính trị toàn cầu cai trị trên “mọi chi phái, mọi dân, mọi thứ tiếng cùng mọi nước” (Khải huyền 13:7). Tên 666 cho thấy trong mắt Đức Giê-hô-va, hệ thống chính trị này thất bại thảm hại.



Và một lần nữa là tại sao?

Không chỉ là một danh hiệu. Các tên do Đức Chúa Trời đặt đều có ý nghĩa. Ví dụ, Đức Chúa Trời đặt cho Áp-ram (có nghĩa “cha cao-quý”) tên là Áp-ra-ham (có nghĩa “cha của nhiều dân-tộc”) khi ngài hứa cho ông làm “tổ-phụ của nhiều dân-tộc” (Sáng-thế Ký 17:5, chú thích). Tương tự, tên Đức Chúa Trời đặt cho con thú dữ là 666 tượng trưng cho các đặc tính nổi bật của nó.

Số sáu ám chỉ sự không hoàn hảo. Các số trong Kinh Thánh thường được dùng theo nghĩa tượng trưng. Số bảy thường tượng trưng cho sự trọn vẹn và hoàn hảo. Số sáu kém số bảy một số nên có thể ám chỉ những gì khiếm khuyết hoặc bất toàn trong mắt Đức Chúa Trời, và có thể liên quan đến kẻ thù của ngài.—1 Sử-ký 20:6; Đa-ni-ên 3:1.

Lặp lại ba lần để nhấn mạnh. Đôi khi Kinh Thánh lặp lại ba lần một vấn đề để nhấn mạnh (Khải huyền 4:8; 8:13). Vì vậy, tên 666 đặc biệt nhấn mạnh việc Đức Chúa Trời xem hệ thống chính trị của loài người là thất bại thảm hại. Họ không có khả năng đem lại hòa bình và an ninh vĩnh cửu, điều mà duy nhất Nước Đức Chúa Trời thực hiện được.

Dấu của con thú dữ

Kinh Thánh nói rằng người ta nhận “dấu của con thú dữ” vì họ “thán phục mà đi theo”, đến mức thờ phượng nó (Khải huyền 13:3, 4; 16:2). Họ làm điều này bằng cách tôn thờ quốc gia, các biểu tượng quốc gia hoặc sức mạnh quân sự. Bách khoa Từ điển Tôn giáo (The Encyclopedia of Religion) cho biết: “Chủ nghĩa ái quốc đã trở thành một hình thức tôn giáo chủ đạo trong thế giới hiện đại”.

Dấu của con thú dữ được đóng trên tay phải hoặc trên trán một người như thế nào? (Khải huyền 13:16). Liên quan đến những mạng lệnh ban cho dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời phán: ‘Hãy đeo nó như một dấu nơi tay, như một ấn-chí giữa hai con mắt’ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:18). Điều này không có nghĩa người Y-sơ-ra-ên mang dấu trên tay và trên trán theo nghĩa đen, nhưng có nghĩa họ để Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn trong mọi hành động và suy nghĩ. Tương tự, dấu của con thú dữ không phải được hiểu theo nghĩa đen, chẳng hạn một dấu xăm số 666, nhưng theo nghĩa bóng, dấu này nhận diện những ai để hệ thống chính trị chi phối đời sống. Những người có dấu của con thú dữ tự đặt mình vào vị thế đối địch với Đức Chúa Trời.—Khải huyền 14:9, 10; 19:19-21.

Thì ra là vậy và giờ thì Cú Mèo đã hiểu. Bạn nào có thêm tài liệu hay thông tin gì thì chia sẻ nhé!

Cú Mèo
iBookStop.vn

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Cú Mèo điểm sách

Ngày cuối tuần, Cú Mèo lượn lờ qua các hiệu sách và nhặt ra vài cuốn giới thiệu đến nhà mình.

Đời Ngắn Ngủ Đừng Ngủ Dài – Robin Sharma (NXB Trẻ, giá bìa: 60.000 đồng)

Nếu bạn đã từng đọc quyển Điều Vĩ Đại Đời Thường hay Nhà Lãnh Đạo Không Chức Danh thì một lần nữa bạn lại tái ngộ Robin Sharma qua Đời Ngắn Ngủ Đừng Ngủ Dài, vẫn triết lý theo cách nói bình dân “sống đơn giản cho đời thanh thản”, ông như gửi gắm đến độc giả hãy tỉnh thức và nhìn vào hiện tại. Khung thời gian hiện tại chỉ diễn ra trong tíc tắc và ngay sau đó đã trở thành “thì quá khứ”. Vì vậy, nếu bạn mãi đắn đo suy nghĩ câu nệ quá khứ và tương lai thì cũng giống như bạn đang ngủ vùi trong cuộc đời của bạn. Mọi lựa chọn đều có giá trị của nó và cuộc sống vẫn diễn ra dù cho lựa chọn của bạn là gì. Hãy tỉnh thức và luôn kiên nhẫn, tin tưởng với lựa chọn của mình!

Robin Sharma là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của thế giới về vai trò lãnh đạo trong kinh doanh và trong cuộc sống và là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn sách ăn khách số 1 thế giới Nhà sư bán xe FerrariTrí tuệ lãnh đạo của nhà sư bán xe Ferrari và Bắt đầu từ bên trong. Sharma cũng đi khắp thế giới làm diễn giả chính cho các tổ chức chuyên về bồi dưỡng những nhà lãnh đạo ở mọi cấp. Khách hàng của ông bao gồm các công ty trong danh sách Fortune 500 như Microsoft, General Motors, IBM, FedEx, và Nortel Networks.

Tháng Năm Không Ở Lại – Nhiều tác giả (NXB Văn học, giá bìa: 85.000 đồng)

Thời gian là dòng sông trôi đi không bao giờ trở lại và tất cả chúng ta đều đang đi trên dòng sông thời gian. Tuy nhiên, điểm khác là mỗi người có một cột mốc riêng đánh dấu ở mỗi chặng đường mình đi qua. Là ngày vui, là ngày buồn, là ngày day dứt mãi không nguôi hay là một quá khứ bỏ quên thì những cột mốc đó sẽ dần thành kỷ niệm mà đến một lúc nào đó khi nhìn lại bạn sẽ nhận ra rằng thời gian mãi trôi không dừng lại.

Tháng Năm Không Ở Lại tập hợp 20 truyện ngắn được viết bởi những người trẻ, mỗi câu chuyện là một kỷ niệm, một dấu ấn cũng có khi là một ký ức mà nó khiến ta trở nên mạnh mẽ, cứng cỏi, hi vọng nhiều hơn vào tương lai. Như Phạm Vũ (tác giả truyện Tháng Năm Không Ở Lại) đã viết “Thời gian là vô hạn nhưng đời người là hữu hạn và những gì đang diễn ra chỉ là khoảnh khắc. Tháng năm tuần hoàn nhưng nó có bao giờ ở lại? Hãy sống sao cho hôm nay không phải nuối tiếc về hôm qua.”

Mùa Về Trên Ngói – Hồ Minh Thông (NXB Văn học, giá bìa: 76.000 đồng)

Nếu bạn thích tản văn, những câu chuyện ngắn về những điều nhỏ thôi trong cuộc sống như bạn đã từng đọc Hãy tìm tôi giữa cánh đồng hay Lạc giữa nhân gian của Đặng Nguyễn Đông Vy thì MùaVề Trên Ngói cũng thuộc thể loại tương tự vậy. 

Có điều Mùa Về Trên Ngói mang lại cảm giác phảng phất cuộc sống tồn tại rất gần mà bạn có thể chạm tới như mái tóc, bức tường, rong rêu, con cún, con nhện, cái gối…  qua những câu chuyện như Tình nhân của đêm, Những bức tường, Lời rêu, Cún ngủ gật, Con nhện lang thang, Chiếc gối chiêm bao… Ngoài ra, nếu viết về con người thì bạn chỉ có thể tìm thấy hình ảnh người mẹ, người chị ở một góc nhìn tinh tế và sâu sắc mà khắc họa từ chiếc bóng mẹ hắt lên tường cho đến chiếc nón lá và áo hoa cà của chị qua Bóng ai bên cửa  Chị tôi.

Hồ Minh Thông thật ra là một tác giả nữ đã từng xuất bản hai tác phẩm là Những Cánh Rêu và Miền Tĩnh Lặng Dịu Dàng. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú (kiêm Tổng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh) đã nhận xét về cô như một “Miền tĩnh lặng ấy mới thật sự dịu dàng”.

Đàn Bà Xấu Thì Không Có Quà – Y Ban (NXB Văn học, giá bìa: 40.000 đồng)

Đàn Bà Xấu Thì Không Có Quà xuất bản lần đầu vào năm 2004 và gần đây được NXB Văn học tái bản sau 10 năm. Vẫn câu chuyện đó nhưng cảm xúc vẫn còn nguyên cho những độc giả nào đã từng đọc.
Đàn Bà Xấu Thì Không Có Quà là một tác phẩm không mang hàm ý châm biếm về hình thức, vẻ ngoài của một người đàn bà thì sẽ quyết định cô có nhận được sự ưu ái của những người đàn ông hay không, mà là một câu chuyện đầy tính nhân văn về nỗi khát khao có được tình yêu, có được mái ấm gia đình của những con người khi sinh ra đã không may mắn có được cơ thể bình thường. Khi ước mơ của những người bình thường là đạt đến danh vọng cao xa hay có được một gia đình sung túc, đầy đủ tiện nghi thì với những người khuyết tật, ước mơ của họ là có được sự chấp nhận con người họ cả về hình thức lẫn tâm hồn từ những con người bình thường.

Tác giả Y Ban là nhà văn sinh ra và lớn lên tại Nam Định, vì vậy mà bạn sẽ tìm thấy hình ảnh đời sống, sinh hoạt của thôn quê miền Bắc và giọng văn thấm đậm chất Bắc qua tác phẩm này.

Nín Đi Con – Lê Nguyễn Nhật Linh (NXB Văn hóa Thông tin, giá bìa: 79.000 đồng)

Nín Đi Con là quyển sách thuộc thể loại tản văn và được viết bởi cô gái trẻ vừa qua tuổi đôi mươi ở góc nhìn giả định; giả định rằng cô có những đứa con thì đây sẽ là cách cô dạy chúng. Nín Đi Con được trình bày theo mẫu của những cuốn từ điển bắt đầu từ A và kết thúc tại Y. Nếu A là những câu chuyện Ám ảnh, Ánh sáng, Ấm ức, B là Bài học, Bản lĩnh, Bố và con gái thì đến Y là Ý nghĩa, Yêu; cứ như vậy đã gom góp thành tập tản văn Nín Đi Con.

Lê Nguyễn Nhật Linh đã chia sẻ rằng “Cảm xúc của tôi là bánh quy, và ngôn ngữ sẽ bẻ vụn chúng. Vụn mẫu. Vụn li ti. Đến khi chẳng còn gì. Ngoài chữ.” Cũng bởi thế mà độc giả sẽ bắt gặp những câu chuyện đã được bẻ vụn đến mức chỉ còn là đoạn văn, và một cách ngắn ngủi như Bỏ lửng để độc giả trầm ngâm ở những đoạn tiếp theo trong dư âm câu chữ.

Nếu bạn đã từng đọc tác phẩm Vị Hôn của cùng tác giả với 30 câu chuyện về vị hôn, kiểu hôn, cách hôn được miêu tả sắc nét và gợi nhắc sinh động thì qua tác phẩm Nín Đi Con, bạn sẽ tìm thấy vẫn phong cách viết quen thuộc đó của Lê Nguyễn Nhật Linh.

Khỏe Lên, Trẻ Lại – Huỳnh Kim Tước (NXB Thế giới, giá bìa: 38.000 đồng)

Tên đầy đủ của quyển sách là Khỏe Lên, Trẻ Lại – Lục Điệu Chân Kinh dành cho các cao thủ văn phòng và được viết bởi cố vấn của Facebook tại khu vực Đông Dương, cựu cố vấn của Google tại Việt Nam – Huỳnh Kim Tước, người đã luôn gây ấn tượng cho người đối diện bởi vẻ khỏe khoắn, trẻ trung hơn rất nhiều so với tuổi thật của mình. Cuốn sách này ra đời trong sự tình cờ từ những cuộc nói chuyện thân tình với các đối tác, không nghĩ rằng anh có thể tự tập luyện thay vì đến phòng tập và cho đến lúc anh nghĩ rằng mình nên chia sẻ “bí kíp” này.

Quyển sách là sự hướng dẫn về tập luyện giữ gìn sức khỏe từ bên trong dành cho những ai làm trong văn phòng và thường vì nhiều lý do khác nhau mà ít vận động. Khỏe Lên, Trẻ Lại chia làm hai phần, trong đó Phần một chỉ ra cách vượt qua ba chướng ngại lớn nhất mà chúng ta thường gặp phải khi bước vào con đường luyện tập và Phần hai là sáu bí quyết đơn giản, nhẹ nhàng cùng hình họa sinh động để chúng ta có thể bắt đầu thực hành.

Các độc giả sẽ thích thú khi tác giả “kiếm hiệp hóa” từ bìa sách đến tên gọi phương pháp luyện như Thuận thủy thôi thu chưởng, Thương tùng nghinh khách chưởng, Lãng tử hồi đầu chưởng, Lục Điệu Chân Kinh.

Sau cùng, nếu bạn nào chỉ thích mượn về đọc thôi thì bạn có thể cân nhắc trở thành hội viên Book Lover của thư viện iBookStop nhé! Chi tiết xin vui lòng truy cập website: www.ibookstop.vn hoặc email về ask@ibookstop.vn.

Thân chào,

Cú Mèo
Thư viện iBookStop.vn

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Không kết hôn liệu có chết? - Chiêm Qua

Không kết hôn liệu có chết?” (Chiêm Qua, NXB Hồng Đức, 2013, giá bìa 92.000 đồng) là tác phẩm tâm lý xã hội phù hợp với độc giả nữ từ 28 - 35 tuổi vì không phải là chuyện tình lãng mạn, kịch tính mà chỉ đơn thuần là câu chuyện xã hội của ba cô gái trẻ trung, thành đạt và từng trải qua biến cố, thăng trầm trong tình yêu.

Không bi kịch, không lụy tình, ướt át và không tô hồng tình yêu hay tính cách kiểu mẫu hoàn hảo như trong các tiểu thuyết tình yêu khác. Tác phẩm bao gồm những mảnh ghép cuộc đời không chỉ của ba cô gái nhân vật chính trong truyện mà còn của những nhân vật phụ khác ở vai trò người mẹ, người con, đồng nghiệp, người yêu cũ...

Câu chuyện “mẹ chồng nàng dâu”

Trong các nước Á Đông, có thể nói Trung Quốc là đất nước mang nặng tư tưởng phụ hệ, trọng nam khinh nữ, dù các thành phố, thủ đô lớn hiện nay đã có tư tưởng cởi mở, phóng khoáng nhưng ở các thị trấn, làng quê nhà nào có con gái thì xem như đã thất bại vì “nữ sanh ngoại tộc”, “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Cũng chính bởi tư tưởng này mà qua tác phẩm, tôi có thể nhìn thấy hai hệ lụy của nó:

*Một là, sự đùm bọc, coi trọng con trai của gia đình, nhất là của những bà mẹ đến mức khi đã trở thành người đàn ông thì người con trai này mất đi sự tự lập, quyết đoán và chính kiến của mình. Đó là lúc anh ta chẳng còn biết đâu là lẽ đúng sai và việc cần làm của một nam nhi “đầu đội trời, chân đạp đất”. Có thể bao biện rằng đó là vì sự hiếu thuận với bậc sinh thành nhưng sống bất nghĩa, bất trung thì sau cùng anh ta cũng tự mình trói mình vào thế giới cô độc và thất bại. Chưa kịp thành đại nhân thì anh ta đã trở thành tiểu nhân sống dưới mộng tưởng về quyền đàn ông mà cha mẹ anh không ngừng nhồi nhét, giáo huấn ngay từ nhỏ.

*Hai là, sự nhẫn nhục, chịu đựng sự bất công trong sự đối xử giữa gia đình chồng và nàng dâu đã không làm những nàng dâu trong cuộc nhìn thấu sự việc – người có thể thay đổi sự tàn bạo này chính là các cô. Nếu chỉ vì năm xưa khi về nhà chồng làm dâu phải cam chịu bất bình đẳng và đến đời sau khi con trai mình có vợ, các cô lại lấy cách đối đãi năm xưa áp lên những nàng dâu mới này thì cái vòng tuần hoàn ấy mãi lặp lại. Sau cùng những thân phận phụ nữ ở xó bếp thì mãi ở xó bếp.

Những cô gái hiện đại

Hiện đại không chỉ gắn với cái mác biết cách sống hưởng thụ, ăn mặc hợp thời mà còn là sự thấu hiểu sự việc và con người hợp tình hợp lý, không đặt nặng cái tôi và nhu cầu cá nhân lên trước nhưng đồng thời biết lắng nghe điều tâm khảm mong cầu.

Tiểu Mỹ - cô gái thuộc cung Ma Kết, tài sắc song toàn với vẻ ngoài lạnh lùng nhưng nổi bật trên hết chính là sự điềm đạm, triết lý sâu sắc. Là cô gái đa mưu và thông minh nhất trong nhóm nhưng Tiểu Mỹ không lạm đụng điều đó để tư lợi cho cá nhân mà cô dùng trí của mình đối nhân và dùng tình để thu phục nhân. 

Đứng ở ngã ba đường hoặc là an phận lấy chồng làm dâu vì trót mang tiếng ăn ở với đàn ông nhiều năm, hoặc là từ bỏ chẳng màn sự dèm pha của mọi người thì cô đã chọn cách từ bỏ. Điều đáng kể chính là ngày cô dứt áo ra đi cũng là lúc Du Tử và gia đình anh nhục nhã nhận ra cái cương dùng để thu phục cô chẳng qua chỉ là “cọng lông gà” của tiểu nhân và quên mất họ đang sống trong xã hội hiện đại, tư tưởng đã phóng khoáng hơn.

Đường Đường – cô gái thuộc cung Cự Giải, là cô gái thời thượng, hoạt bát nhưng chứa đựng trái tim mong manh, nhạy cảm, bởi điều đó mà cô là một trong ba cô gái có chuyện tình bi thương nhất và cũng vì mối tình này mà cô mất đi thiên chức làm mẹ, mang trong mình nỗi mặc cảm này và tránh xa các mối quan hệ nam nữ. Tuy nhiên, ở cô vẫn luôn toát lên vẻ lạc quan và bao dung, luôn vì bạn mà xông pha và sau cùng là một kết thúc có hậu cho cô.

Văn Văn – cô gái thuộc cung Sư Tử, văn võ song toàn, phóng khoáng tự nhiên nhưng lại vướng vào gã đàn ông tự xem mình là “cái rốn của vũ trụ” dù là bản chất gã không phải là đàn ông xấu. 

Khởi đầu câu truyện là sự dàn xếp của gia đình hai bên đốc thúc đôi trẻ sớm tiến đến hôn nhân trong khi trước đó một tiếng cô và anh đã chính thức chia tay. Vì cả nể và vì chữ tình chữ nghĩa, Văn Văn đã phải miễn cưỡng chấp nhận kết hôn với Lý Cường. Chính trong quá trình chuẩn bị cưới này, cô và anh dần nhận ra mấu chốt làm mối quan hệ họ trở nên bất hòa là vì sự thiếu hòa hợp tính cách trái ngược của mỗi người. Dù Văn Văn là cô gái đến từ võ môn nhưng cô vẫn là con gái với những mong muốn có được sự lãng mạn, ngọt ngào, quan tâm sâu sắc đến từ bạn trai. Trong khi Lý Cường vẻ ngoài tháo vát, biết quan tâm nhưng anh luôn bộc trực trong lời nói, che giấu suy nghĩ thật trong đầu vì anh sợ người ta sẽ vì đó mà tự phụ, coi thường anh, và cũng phần vì anh tự xem mình là trung tâm vũ trụ. Chính vì vậy, anh và cô luôn khắc khẩu, chẳng ai nhường ai.

Tình yêu

Trong tác phẩm này, tình yêu được nhắc đến không phải là một tình yêu màu hồng, tiếng sét ái tình mà là một tình yêu với trái tim độ lượng, bao dung hơn khi một trong hai đối phương thôi nghĩ về bản thân và hãy biết quý trọng những gì mình đang có. 

Dù rằng tình yêu Tiểu Mỹ và Du Tử không thành nhưng tôi nhận thấy trong đó Tiểu Mỹ đã biết nghĩ cho Du Tử nhưng do Du Tử thiếu chính kiến nên đã đẩy cô ra khỏi cuộc đời anh. Tình yêu của Đường Đường chỉ thực sự đến ở đoạn gần cuối truyện, đó là lúc Bình Tử đón nhận cô không phán xét và ước mong cùng cô hướng về tương lai một cách tích cực hơn, thoát khỏi sự mặc cảm của chính mình. Mặc khác, Quang Tử mặc dù mang tiếng là kẻ phụ tình nhưng trong toàn bộ câu chuyện, anh là người không có quyền lựa chọn và vì bảo vệ Đường Đường và bất kỳ người con gái nào đến với anh nên anh chấp nhận sống như kẻ ẩn dật vì tình hiếu nghĩa với người mẹ mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt. Với tình yêu của Văn Văn và Lý Cường, chỉ đến cuối truyện họ mới nhận ra rằng tuy là bất đồng nhau nhưng tình cảm vẫn còn đó và luôn quan tâm, nghĩ về đối phương, cái thiếu của họ chính là từ bỏ cái tôi và cái cần chính là thời gian.

Tác phẩm lấy bối cảnh xã hội hiện đại những năm 2010 ở Bắc Kinh nhưng người đọc sẽ tìm thấy đâu đó dư tàn của xã hội phong kiến cũ vẫn còn đó. Điều quan trọng trên hết, người đọc cũng sẽ tìm thấy sự đấu tranh đến cùng của những cô gái trẻ với khát khao được sống bình đẳng, quyền tự do mưu cầu cuộc sống cá nhân không áp đặt; của những bà mẹ đã từng có quá khứ khổ đau, ám ảnh với mong muốn thay đổi cục diện, xóa bỏ sự bất bình đẳng và trở thành những phụ mẫu hiện đại vun vén hạnh phúc vợ chồng con cái mình.

Sau cùng, Không Kết Hôn Liệu Có Chết là một tác phẩm đáng để đọc để không chỉ hiểu về tình yêu mà còn là tinh thần sống lạc quan dù trong mọi hoàn cảnh, cũng như hiểu thêm về con người, xã hội Trung Hoa thời nay.

Cú Mèo
Thư viện iBookStop.vn
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi chia sẻ. Cảm ơn! :)